Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Trong các năm qua, việc xây dựng nền nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng theo hướng hiện đại, bền vững luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tế của địa phương. Việc phát triển bền vững không thể tách rời với công tác xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản. Do đó, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng, phát triển chuỗi liên kết.


Máy móc thiết bị tại Công ty TNHH Mật ong Thái Dương - đơn vị chủ trì dự án được UBND tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết

Chính sách phát triển chuỗi liên kết

Sau nhiều năm xây dựng mô hình chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết và các kết quả do hình thức này mang lại cho nền nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thì tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 104/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh phát triển chuỗi. Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên phê duyệt chính sách này để kịp thời đưa Nghị quyết vào thực tiễn sản xuất.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2023 theo Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 để bố trí thêm nguồn vốn hỗ trợ xây dựng phát triển chuỗi liên kết cũng như đưa ra các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết trên địa bàn.

Triển khai xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong thực tiễn sản xuất

Tính đến cuối năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh có 84 dự án hỗ trợ liên kết chuỗi, trong đó việc hỗ trợ được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến các địa phương, cụ thể như sau:

Dự án cấp tỉnh hỗ trợ: Có 18 dự án, kế hoạch hỗ trợ đã được phê duyệt với tổng số vốn hỗ trợ đã được giải ngân là 12.601,19 triệu đồng.

Dự án cấp huyện, xã hỗ trợ: Có 66 dự án, kế hoạch hỗ trợ đã được phê duyệt với tổng số vốn hỗ trợ đã được giải ngân là 13.642,68 triệu đồng.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, kết nối thị trường với các tỉnh, thành phố lớn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ Agroviet để quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tỉnh cũng quan tâm đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu nhãn hiệu để tăng sức cạnh tranh, nhận diện sản phẩm trên thị trường như các sản phẩm chứng nhận Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành, mỗi xã một sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng,... cũng như đẩy mạnh chứng nhận sản phẩm an toàn như VietGAP, HACCP, ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn,...  Xây dựng tài liệu, tập san quảng bá sản phẩm, tiêu chí sản phẩm, truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng sàn giao dịch điện tử để đa dạng hóa kênh thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đồng thời, tỉnh đã và đang thiết lập kênh thông tin thị trường để có nguồn cung cấp thông tin tin cậy về giá cả, khả năng cung ứng sản phẩm để người dân, doanh nghiệp, HTX có thông tin tham khảo nhằm đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của thị trường.

Kết quả xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trên địa bàn toàn tỉnh

Sau khi chính sách được ban hành, tình hình xây dựng phát triển chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2018, toàn tỉnh có 125 chuỗi liên kết, sản lượng tiêu thụ thông qua chuỗi còn thấp. Tuy nhiên, sau khi triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP, Nghị quyết 104/2018/NQ-HĐND và đề án liên kết thì ngoài các chuỗi được nhà nước hỗ trợ, nâng cấp thì người dân, doanh nghiệp, HTX cũng chú trọng đến hình thành và xây dựng chuỗi liên kết. Hiện nay, toàn tỉnh có 175 chuỗi liên kết. Cụ thể: Lĩnh vực trồng trọt: 149 chuỗi, hộ liên kết: 14.330 hộ, diện tích: 24.447,65 ha, sản lượng: 364.674 tấn; Lĩnh vực chăn nuôi: 26 chuỗi, hộ liên kết: 2.432 hộ, tổng đàn: 850.777 con, sản lượng: 128.622,351 tấn. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi (theo giá cố định 2010) đạt khoảng 7.308.000 triệu đồng, theo giá hiện hành đạt 12.681.000 triệu đồng.

Từ những kết quả đạt được của việc hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn cũng như thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn thì các cơ sở, HTX, doanh nghiệp và người nông dân đã chú trọng hơn đến việc xây dựng chuỗi. Từ đó, các cơ sở, doanh nghiệp, HTX đã tự chủ động xây dựng chuỗi liên kết và đã hình thành rất nhiều chuỗi không qua hỗ trợ của nhà nước. Việc liên kết với các tỉnh khác trong xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của người dân về việc tham gia các chuỗi liên kết ngày càng được nâng cao.

Trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp nhưng các hộ dân tham gia liên kết đều có nguồn tiêu thụ ổn định, một số chuỗi liên kết còn tăng sản lượng do có thị trường tiêu thụ là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thông qua các hợp đồng tiêu thụ lâu dài, bền vững.

Một số khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển chuỗi liên kết

Nhìn chung, việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh rất quan tâm và triển khai thực hiện. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, cụ thể:

Việc tuân thủ hợp đồng liên kết của người nông dân còn chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều hiện tượng người dân tự phá vỡ hợp đồng liên kết khi giá thị trường tăng cao, cũng như việc chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa được công bằng, từ đó dẫn đến liên kết lỏng lẻo, không bền vững.

Một số doanh nghiệp, HTX chưa có đầu ra ổn định nên khó mở rộng, phát triển liên kết.

Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong việc xây dựng dự án chuỗi liên kết để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, phát triển chuỗi liên kết cũng như giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ.

Các chuỗi liên kết trong chế biến nông sản còn ít, quy mô chưa lớn cũng như việc đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên chưa nâng cao được giá trị nông sản thông qua chuỗi.

Trên địa bàn tỉnh thiếu các đơn vị tư vấn, làm các dịch vụ xuất khẩu, logistics nên việc tiếp cận thị trường xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục giải ngân phức tạp, doanh nghiệp, HTX không nắm bắt được đầy đủ nên thiếu sót trong quá trình thanh quyết toán, từ đó không nhận được nguồn vốn hỗ trợ.

Mục tiêu trong thời gian tới

Theo đề án chuỗi liên kết được ban hành theo Quyết định số 1551/QĐ-UBND ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng thì mục tiêu đến năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản (120 chuỗi cấp tỉnh, 60 chuỗi cấp huyện, xã), tăng 75 chuỗi so với 2019, trong đó đảm bảo mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm chủ lực. Tổng diện tích canh tác tham gia chuỗi liên kết 50.000 ha (tương ứng 18% diện tích đất canh tác, với sự tham gia của 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 HTX; nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 30% sản lượng nông sản chủ lực toàn tỉnh.

Thông qua việc thực hiện đề án, góp phần tăng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng lên 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh. Từ đó, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 220 triệu/ha/năm./.

Võ Nguyễn Minh Tuyên - Chi cục Quản lý Chất lượng NLS và TS Lâm Đồng