Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi liên kết

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 02 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) với 13 HTX thành viên; có 225 HTX nông nghiệp, với 6.774 thành viên; tổng số lao động thường xuyên trong các Hợp tác xã là 12.832 người; vốn điều lệ 273,018 tỷ đồng;



Tổng diện tích đất của các HTX khoảng 16.979 ha, toàn bộ đất sản xuất của các HTX đều do xã viên quản lý sử dụng ổn định. Doanh thu bình quân của 1 hợp tác xã khoảng 8.710 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã khoảng 1.040 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 60 triệu đồng/năm; có 270 Tổ hợp tác (THT) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, các THT hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Toàn tỉnh hiện có 125 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 40 HTX, 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 13.148 hộ nông dân. Phần lớn nông dân đã liên kết với HTX, doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Đã có 8,2% sản lượng rau; 1,77% sản lượng hoa, 10,1% cà phê, 17,23% chè, 97% sữa tươi và 30,4% thịt lợn được tiêu thụ qua hợp đồng. Các sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi, đặc biệt đối với các sản phẩm rau, củ quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp có tăng giá trị gia tăng cao hơn 20 - 25%. Nổi bật về chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có HTX nông nghiệp Anh Đào (Đà Lạt) liên kết với các THT ở huyện Lạc Dương; HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, HTX Xuân Hương ở Đà Lạt...

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, đã xuất hiện nhiều hợp tác xã đã áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng nên có doanh thu hàng năm khá cao (trên 10 tỷ đồng) đã khẳng định được vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp. Do đó tạo được đầu ra ổn định cho các thành viên HTX cũng như các hộ nông dân liên kết. Nhiều THT được thành lập phù hợp với trình độ phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua mô hình kinh tế hợp tác đã giúp cho bà con nông dân yếu thế hợp tác, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ở nông thôn.

Tuy nhiên, hoạt động của các HTX vẫn còn khó khăn, hạn chế: Một số HTX chuyển qua hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm, hoạt động chưa đúng bản chất Luật Hợp tác xã năm 2012; Giám đốc HTX chưa theo kịp nền kinh tế thị trường còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước,… Đa số HTX nông nghiệp mới chỉ tập trung hoạt động đầu vào, còn các dịch vụ bảo quản, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Chỉ khoảng 20 - 25% HTX bao tiêu, chịu trách nhiệm một phần đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các HTX trên địa bàn toàn tỉnh.

Một số giải pháp phát triển kinh tế tập thể gắn với chuỗi liên kết

Đổi mới và nâng cao công tác tuyên truyền về lĩnh vực kinh tế tập thể nông nghiệp; chú trọng: Hỗ trợ các HTX tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ nhân lực cho HTX…; Củng cố và tăng cường hơn nữa về bộ máy và cán bộ làm công tác phát triển kinh tế hợp tác từ cấp tỉnh, huyện, xã; thành lập mới: 01 Liên hiệp HTX tại huyện Đơn Dương, 154 hợp tác xã nông nghiệp trên các lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 244 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; trong đó trên 50 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lồng ghép các chương trình, đề án của địa phương để hỗ trợ cho các HTX theo quy định của nhà nước. Có sự chỉ đạo ngay từ đầu năm việc thực hiện “Tiêu chí 13 về Tổ chức và sản xuất” đối với các xã trên địa bàn về xây dựng nông thôn mới; đồng thời có kế hoạch chỉ đạo về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng dẫn của Trung ương và UBND tỉnh./.

                                                   Phan Minh Sơn, Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng