Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn và là vùng sản xuất rau, hoa, cà phê lớn của cả nước. Với việc sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng thường cao hơn so với các địa phương khác.



 Hàng năm, lượng rác thải trong sản xuất nông nghiệp phát thải ra môi trường tương đối lớn. Đặc biệt là rác thải nguy hại như vỏ chai, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp phát thải ra môi trường chưa được thu gom, xử lý theo đúng quy trình chiếm tỷ lệ cao, gây ô nhiễm không nhỏ đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Toàn tỉnh hiện có trên 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất sản xuất cây hàng năm 122,3 nghìn ha (lúa 26,8 nghìn ha, ngô 8,3 nghìn ha, rau 70,05 nghìn ha, hoa 9,32 nghìn ha...); cây lâu năm 264,0 nghìn ha (174,1 nghìn ha cà phê; 12,1 nghìn ha chè; 26,2 nghìn ha điều; 24,5 nghìn ha cây ăn trái...). Trong những năm gần đây, nông nghiệp Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 40,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh hiện có 60.228ha (chiếm 20% diện tích canh tác), trong đó cây rau 24.016ha, cây hoa 2.927ha, cây đặc sản 172ha, chè 6.883ha, cà phê 21.946ha; 157ha cây dược liệu và 3.827ha lúa chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh dẫn đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 2.465 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc thuốc bảo vệ thực vật phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố cung ứng cho nông dân đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp có chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

 Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300.000ha, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm tại Lâm Đồng từ 3.500 - 4.000 tấn. Theo tính toán của ngành bảo vệ thực vật với lượng thuốc trên, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 250 - 300 tấn/năm. Từ 2018 đến 2020, toàn tỉnh đã tổ chức thu gom, tiêu hủy đúng quy định, trung bình hàng năm từ 20,6 - 25,2 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Trong đó, năm 2018 là 20,6 tấn; năm 2019 là 21,7 tấn; năm 2020 là 25,2 tấn (chiếm 10,1% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh/năm). Tỷ lệ thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (khoảng 10%) so với lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát thải ra môi trường.

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai công tác thu gom đến với người dân, tổ chức. Vì vậy, ý thức của người dân đã từng bước được nâng cao, một số bộ phận người dân đã có ý thức tự thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhiều vùng sản xuất đã xây dựng và đặt các bể thu gom rác tại đầu bờ ruộng canh tác. Tuy nhiên, các hoạt động bảo vệ môi trường vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, không thường xuyên, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Nhận thức của người dân trong việc thu gom rác thải nông nghiệp, đặc biệt là rác thải nguy hại từ vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, người dân sau khi sử dụng vứt bỏ tại các bờ ruộng, sông suối, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí… Việc đánh giá thực trạng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sử dụng, phát sinh bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện. Số liệu cập nhật về rác thải trong sản xuất nông nghiệp thực hiện chưa có hệ thống, đồng bộ và thường xuyên. Trước thực tế đó, việc bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp nói chung và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng, đòi hỏi người dân và chính quyền các cấp, các ngành cùng chung tay bảo vệ môi trường tại các vùng canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Một số giải pháp để bảo vệ môi môi trường tại các vùng canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Đối với người dân

Cần nâng cao ý thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Hạn chế và không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng các sinh phẩm hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp có lợi cho sức khỏe con người.

Mỗi người dân luôn ý thức thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, sông suối, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí…

Đối với các cấp, các ngành

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trong việc sử dụng và thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Phát động nhân dân định kỳ làm vệ sinh các tuyến đường thôn xóm, kênh rạch. Trong đó, giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ… làm đầu mối để thực hiện.

Điều tra, đánh giá hiện trạng các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê về rác thải nông nghiệp nông thôn, rác thải nguy hại từ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để các cấp, các ngành có cơ sở quản lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng canh tác và đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Xây dựng các bể thu gom rác tại đầu bờ khu vực ruộng canh tác, tạo thuận lợi cho người dân thu gom và để đúng nơi quy định. Xây dựng các kho lưu chứa để thu gom, vận chuyển về kho lưu chứa theo từng khu vực địa bàn tỉnh nhằm quản lý chất thải rắn nguy hại như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nguy hại vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy mô, công nghệ xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường tránh tình trạng rác thải ùn ứ lâu ngày gây ô nhiễm cho khu vực lân cận./.

Phan Văn Hợi - TTKN Lâm Đồng