Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cây chè là một trong những cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng đứng thứ hai sau cây cà phê trong cơ cấu cây trồng của tỉnh Lâm Đồng. Đầu năm 2022, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 11.139,2 ha. Chủ yếu diện tích trồng chè tập trung tại TP. Bảo Lộc (2.505 ha), huyện Bảo Lâm (7.150 ha), huyện Di Linh (505,6 ha), TP. Đà Lạt (236,3 ha) và huyện Lâm Hà (164 ha).



Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm chè của tỉnh Lâm Đồng chất lượng vẫn chưa cao, không ổn định và một số chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con nông dân chưa có ý thức trong việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn được chứng nhận chất lượng nên việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại trong sản phẩm chưa chặt chẽ. Từ đó, dẫn đến giá trị sản phẩm thấp, ảnh hưởng tới tiêu thụ và xuất khẩu. Chính vì thế việc xây dựng mô hình thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ từ năm thứ tư trở đi và liên kết tiêu thụ sản phẩm là việc làm cần thiết, nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật sản xuất, thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nhằm đưa ngành chè Lâm Đồng phát triển một cách bền vững, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực.

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ từ năm thứ tư trở đi và liên kết tiêu thụ sản phẩm”, nhằm xây dựng một mô hình chuẩn về sản xuất chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Mô hình sẽ là nơi để bà con nông dân đến tham quan, học hỏi, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm chè tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển. Mô hình đã triển khai thực hiện 02 ha/02 hộ tham gia tại xã Đam B’ri, TP. Bảo Lộc và xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm (mỗi điểm 01 ha/01 hộ). Kết quả mô hình cho thấy vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất vườn mô hình thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ thấp hơn so với vườn sản xuất đại trà 0,8 tấn/ha (năng suất vườn mô hình: 17,9 tấn/ha, năng suất vườn sản xuất đại trà: 18,7 tấn/ha). Tuy nhiên, sản phẩm có đầu ra ổn định và bán được giá cao hơn. Lợi nhuận thu được trên 01 ha tại vườn mô hình cao hơn vườn sản xuất đại trà là 69.500.000 đồng/ha/năm (giá chè chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn so với giá chè sản xuất ngoài mô hình bình quân 5.000 đồng/kg). Đây là kết quả giai đoạn đầu khi mới sản xuất theo hướng hữu cơ.

Các nông hộ tham gia thực hiện mô hình chăm sóc vườn chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ từ năm thứ tư trở đi đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như: Kỹ thuật bón phân hợp lý (cuốc rãnh và lấp phân, bón khi thời thiết thuận lợi, sử dụng phân chuồng, hữu cơ vi sinh…), tưới nước, làm cỏ kịp thời theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Môi trường trong khu vực thực hiện mô hình từng bước được cải thiện, chai lọ, bao bì, rác thải… được thu gom theo quy định. Các nông hộ tham gia mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc không độc hại môi trường, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng và phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM.

Thông qua mô hình triển khai, đã tạo điều kiện cho các nông hộ áp dụng quy trình sản xuất thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường 8,7%, cải thiện môi trường sinh thái, an toàn với người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần định hướng xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mô hình triển khai tại địa phương đều được nông hộ trực tiếp tham gia và bà con nông dân đánh giá cao và hưởng ứng rộng rãi vì lợi ích đem lại. Hiện nay, sản xuất thâm canh chè chất lượng cao theo hướng hữu đang là xu hướng và là tiền đề cho phát triển sản xuất chè hữu cơ của tỉnh trong thời gian tới./.

Quỳnh Châu - TTKN Lâm Đồng