Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thái Nguyên: Triển khai sản xuất 60 ha chè hữu cơ

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình sản xuất 60 ha chè hữu cơ; trong năm 2020 bắt đầu đào tạo, đánh giá chuyển đổi và khắc phục, đến năm 2022 đánh giá để cấp chứng nhận hữu cơ theo TCVN 11041-2:2017.



Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng, lựa chọn địa điểm lập danh sách các hộ tham gia thực hiện mô hình với tổng quy mô 60 ha tại các xã Phúc Trìu, TP.Thái Nguyên 5ha;  thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ 20 ha; xã Tức Tranh, huyện Phú Lương 20 ha; xã Phú Xuyên và xã La Bằng, huyện Đại Từ 15 ha;...  Các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 40% vật tư như: phân chuồng ủ mục, chế phẩm hữu cơ qua lá, chế phẩm vi sinh và Thuốc BVTV sinh học...

Thực hiện Phương án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã phối hợp với Tổ chức chứng nhận (Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC) khảo sát vùng và lấy mẫu đất, nước tại các địa bàn triển khai mô hình. Theo kế hoạch, đến hết năm 2020 sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức chứng nhận đào tạo về sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 11041-2:2017 cho cán bộ và nông dân tham gia mô hình (Hướng dẫn thanh tra nội bộ và hoạt động của ban quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn thực hành…); đánh giá sơ bộ lấy mẫu sản phẩm; tư vấn hướng dẫn khắc phục lỗi, kiểm tra nội bộ; đánh giá chính thức cấp giấy chuyển đổi sản xuất sang hữu cơ; cấp chứng chỉ chuyển đổi sang sản xuất chè hữu cơ…

Trong năm thứ 2 các hộ tham gia mô hình sẽ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất; các Tổ hợp tác là đại diện cho nông dân liên kết với các Hợp tác xã, Doanh nghiệp trong sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm Chè.  Năm thứ 3 (2022), Trung tâm Khuyến nông sẽ phối hợp tổ chức đánh giá khu vực sản xuất theo các điều kiện, tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2:2017; với diện tích chè đạt tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp. Giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 22,3 nghìn ha chè, là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 ha lớn nhất cả nước. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha chè đạt 125 triệu đồng/năm, trong đó giá trị sản phẩm chè VietGAP đạt khoảng 145-150 triệu đồng/năm, một số vùng chè đặc sản như Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Tức Tranh đạt 400 - 650 triệu đồng/ha/năm. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường hiện nay, việc sản xuất chè hữu cơ giúp tăng thu nhập của người trồng chè, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời phát triển thương hiệu các vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên./.

Dương Trung Kiên - Trung tâm Khuyến nông Thái nguyên