Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp của tỉnhThái Nguyên ngày càng bị thu hẹp, để nhường đất cho phát triển đô thị, phát triển công nghiệp. Lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng giảm đi đáng kể do người ở độ tuổi lao động vào làm trong các công ty, nhà máy ngày càng tăng. Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, có chất lượng cao, bảo vệ môi trường sinh thái… Đồng thời, tăng thu nhập cho người lao động.
Thời gian qua thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích hoặc một chu kỳ chăn nuôi…
Trồng rau thủy canh – Hướng đi mới
Với hơn 1.000m2 nhà màng trồng rau thủy canh với hệ thống nhà giàn trồng, được trang bị hiện đại; mỗi tháng, cơ sở rau của anh Đỗ Văn Đông và chị Nguyễn Thu Huyền, xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TX Phổ Yên, Thái Nguyên) cung cấp cho thị trường khoảng 3 - 4 tấn rau, quả sạch các loại; đem về doanh thu 40 - 50 triệu đồng.
Nói về cơ duyên đến với rau thủy canh anh Đỗ Văn Đông chia sẻ, do nhu cầu cần thiết từ gia đình và người thân về sự an toàn thực phẩm; nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân ngày càng tăng cao, gia đình anh quyết định về địa phương trồng rau. Qua tìm hiểu trên mạng Internet, đồng thời, tìm đến các mô hình trồng rau thủy canh ở Hà Nội, Bắc Giang và Đà Lạt để tham quan, học hỏi kinh nghiệm gia đình anh quyết định trồng rau thủy canh; vì rau thủy canh sạch, ngon, chất lượng nhưng lại không cần đất; hơn nữa lại không ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài.
Gia đình anh Đông, chị Huyền bắt đầu triển khai trồng rau thủy canh (tại xóm Ba Quanh, xã Minh Đức) từ tháng 4 năm 2017; lắp đặt hệ thống nhà màng, dàn trồng rau thủy canh; diện tích ban đầu chỉ 230m2, sau 6 tháng lắp đặt thêm khu nhà màng thứ 2 với diện tích trên 850m2; với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Hệ thống giàn trồng rau được gia đình áp dụng chủ yếu là hệ thống thủy canh hồi lưu; phương pháp này, rau được trồng trong các rọ (cốc nhựa) nhỏ được nối thành một hệ thống giàn, bên trong các rọ có chứa dung dịch thủy canh; khi bơm, dung dịch sẽ chảy dọc theo chiều dài của hệ thống ống đến nuôi từng cây rồi lại quay trở về bể chứa ban đầu. Anh Đông cho biết, sử dụng công nghệ thủy canh hồi lưu giúp chủ động trong việc cung cấp nước, chất dinh dưỡng; bên cạnh đó rau được trồng trong nhà màng có thể kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng tạo môi trường cho cây trồng phát triển rất tốt; việc canh tác được cách ly với bên ngoài nên tránh được các tác nhân sâu bệnh, do đó không cần sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật.
Cơ sơ trồng rau thủy canh của gia đình anh Đông hiện có 02 hệ thống nhà màng, trong đó khu nhà màng 850 m2 trồng rau và khu 230m2 trồng rau quả; gồm có 3 giàn ươm, 40 giàn hồi lưu và 5 giàn tĩnh với tổng cộng gần 40 nghìn rọ nhựa. Các loại rau, quả cũng đa dạng với loại rau cải như bó xôi (cải bina), cải nhật ( cải mizuna), cải Thái lùn, cải mơ, cải mèo, cải ngồng, cải ngọt, cải xoong nhật; cùng các loại cà chua bi Nhật, Thái, dưa chuột… Mỗi tháng gia đình anh Đông thu hoạch từ 3 -4 tấn rau và 5 tạ quả các loại. Hiện nay rau, quả thủy canh được tiêu thụ tại thị xã Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên, Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) và thành phố Hà Nội. Các loại rau cải có giá bán buôn giao động 12.000-15.000 đồng/kg, cà chua bi bán 25 - 30 nghìn đồng, dưa chuột trên 15 - 20 nghìn đồng… mang lại thu nhập cho gia đình mỗi tháng khoảng 40 – 50 triệu đồng. Cơ sở rau của gia đình còn tạo việc làm cho 02 lao động thường xuyên người địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Dương Sơn Hà - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực như: chè, lúa, rau, cây ăn quả… phát triển chăn nuôi lợn, gà, cá... Với lợi thế về vị trí địa lý, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua; là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, nhà máy, xí nghiệp; nơi đây, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn. Tỉnh Thái Nguyên đang khuyến khích các doanh nghiệp người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… để sản xuất ra sản phẩm an toàn, chất lương cao cho người tiêu dùng và cung cấp cho các nhà máy, trường học... Mô hình sản xuất rau thủy canh cơ sở gia đình anh Đỗ Văn Đông và chị Nguyễn Thu Huyền là mô hình nông nghiệp mới; ngoài việc cung cấp sản phẩm rau an toàn cho thị trường, đây còn là địa điểm tham quan, học tập theo mô hình trồng rau công nghệ cao của tỉnh./.
Dương Trung Kiên
Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên