Qua đó, huyện đã giúp các chủ thể trong quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (xã Hương Ngải) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, năm 2019, đơn vị đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP cho các loại rau ăn lá gồm: Rau muống, cải bắp, cải xanh, cải ngọt, rau ngót, củ khoai tây. Đến nay, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó, 5 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện hỗ trợ hợp tác xã tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, từ đó nông sản được nhiều người biết đến, sản lượng tiêu thụ và giá bán ổn định, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tương tự, xã Đại Đồng có hơn 40 hộ làm nghề bánh chè kho, mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất đã tích cực xây dựng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP và nhận được chứng nhận chất lượng OCOP 3 sao, 4 sao. Bà Kiều Thị Thu Hà - thành viên sáng lập cơ sở Bằng An cho biết, để đáp ứng thị hiếu khách hàng, cơ sở bánh chè kho Bằng An không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú, vừa kết hợp tinh hoa cổ truyền, vừa mang dáng dấp thời đại. Đặc biệt, thời gian qua, Thạch Thất đã tổ chức rất nhiều hội chợ, tuần hàng, tạo điều kiện cho các cơ sở đạt OCOP quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh, Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sản phẩm dịch vụ chất lượng tốt phục vụ phát triển kinh tế địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 188 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, trong đó có 68 sản phẩm đạt 3 sao, 120 sản phẩm đạt 4 sao. Sản phẩm OCOP được công nhận gồm sản phẩm đặc trưng của huyện như: Bánh chè lam, chè kho, bánh dày, bánh chưng, kẹo lạc, bánh gio, cà nén, kẹo vừng, bánh cốm, rau củ quả, tương ớt, nước mắm, nấm, đồ gia dụng trang trí, rau an toàn… Không chỉ hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện còn phối hợp với các đơn vị của thành phố thường xuyên tổ chức sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm OCOP. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh làng nghề trên địa bàn huyện thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP chất lượng cao tới người tiêu dùng; ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào nhiều kênh phân phối hiện đại.
Tuy đã đạt những kết quả nhất định nhưng hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa đạt như kỳ vọng do sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh hạn chế. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích còn không ít khó khăn…
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho rằng, các chủ thể có sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP cần tiếp tục hoàn thiện, duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp quy định, thị hiếu tiêu dùng; quan tâm hơn đến công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương...
Nhằm đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, tạo hiệu quả kinh tế cho người dân, huyện Thạch Thất tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa kênh tiêu thụ. Theo đó, ngoài tổ chức hội chợ, phiên chợ, tuần hàng…, các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ chủ thể tham gia hoạt động livestream bán hàng nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và nền tảng mạng xã hội khác... Từ đó, nông sản, đặc sản của địa phương lan tỏa mạnh đến đông đảo người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các bên tham gia và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững tại địa phương.../.
TA (Theo Báo HNM)