Hơn 18.000 cơ sở giết mổ chưa được cấp phép
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & PTNT), hiện dịch bệnh trên động vật cơ bản được kiểm soát, nhưng một số loại dịch bệnh nguy hiểm có chiều hướng gia tăng so với năm 2023.
Về tình hình giết mổ, cả nước có 45/440 cơ sở giết mổ (CSGM) công nghiệp và hầu hết các cơ sở này hoạt động chưa hết công suất thiết kế. Giá thành sản phẩm thịt cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20 - 30%) và trong số 395/440 CSGM tập trung, thì phân lớn chưa có hệ thống giết mổ treo…
Bên cạnh đó, cả nước có 18.102 CSGM không được chính quyền cho phép hoạt động. Phần lớn CSGM nhỏ lẻ diễn ra tự phát, chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương có hiện tượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật mắc bệnh, tiêu thụ sản phẩm động vật mắc bệnh.
Việc xử lý cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật nhỏ lẻ, kinh doanh sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương xây dựng CSGM tập trung trước khi quy chuẩn QCVN 150:2017/BNNPTNT và Luật Quy hoạch, hiện gặp vướng mắc về bổ sung hồ sơ đủ điều kiện công nhận CSGM tập trung; hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CSGM xuống cấp; mạng lưới CSGM tập trung chưa hoàn thiện; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật chưa đồng bộ…
Đề cập về vấn đề quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trên toàn địa bàn TP có 718 cơ sở, điểm giết mổ gia súc gia cầm, nhưng mới có 140 CSGM (chiếm 19%) được chính quyền cho phép và được cơ quan chuyên ngành thú y kiểm soát. Đây là các CSGM có quy mô lớn, chiếm 60% nhu cầu tiêu dùng của TP.
Đáng nói, việc kiểm soát giết mổ trên địa bàn TP còn khó khăn do Hà Nội giáp với 8 tỉnh, thành phố, việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ra - vào TP rất lớn, khó kiểm soát; lượng tiêu thụ thịt động vật rất lớn, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 800-1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm.
Đáng nói, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo công tác thú y, chưa quan tâm đến công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật nên công tác bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm chưa được chú trọng. Số lượng động vật được giết mổ tại các CSGM tập trung đang hoạt động còn thấp, chỉ đạt trung bình khoảng gần 40% so với công suất thiết kế.
Siết kiểm soát giết mổ, vận chuyển lậu
Để kiểm soát thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc tuân thủ, thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Nói về giải pháp lâu dài, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ Nông nghiệp & PTNT tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù, nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, Bộ ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động CSGM nhỏ lẻ; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp, quản lý kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ Bộ Nông nghiệp & PTNT tiếp tục chỉ đạo ngành Thú y thực hiện các giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, bùng phát.
Bộ cũng phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Đối với các địa phương khu vực biên giới và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh chống buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ chăn nuôi trong nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; xây dựng hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu cơ sở chăn nuôi, CSGM động vật, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương./.
NB (Báo KT & ĐT)