Trên chặng đường dài 70 năm xây dựng và phát triển (1954 - 2024), dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động (CCVC NLĐ) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là lực lượng trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp Thủ đô trên suốt chặng đường vẻ vang ấy, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô, góp phần làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nông dân Thủ đô ngày càng tươi đẹp, phồn vinh và hạnh phúc. Đây là thời điểm cần thiết để chúng ta cùng nhìn lại những công việc đã làm được, để vinh dự và tự hào về những kết quả và thành tựu có được từ công sức, trí tuệ, mồ hôi và thậm chí cả máu xương của các thế hệ CCVC NLĐ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội trong suốt 70 năm qua. Chính niềm vinh dự và tự hào sẽ là hành trang hết sức cần thiết và quan trọng của chúng ta trên chặng đường phát triển mới, đoàn kết vươn lên, vượt mọi gian khó, tiếp tục lập nên nhiều kỳ tích mới trên mặt trận nông nghiệp và phát triển nông thôn của Thủ đô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiền thân là Sở Canh Nông Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 10 - CN/ND ngày 30/11/1954 của Bộ Canh Nông (với hơn 100 CCVC NLĐ). Trải qua quá trình hoạt động trong các giai đoạn lịch sử, Sở Canh Nông Hà Nội đã được đổi tên và nhiều lần thực hiện chia tách, hợp nhất để phù hợp với tình hình thực tế. Nông nghiệp Hà Nội sau ngày giải phóng bị ảnh hưởng do chiến tranh tàn phá nặng nề, nông nghiệp ngoại thành tiêu điều, ruộng đất hoang hóa, sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng vật nuôi hoành hành, trâu bò ít, sức kéo thiếu, hệ thống thủy lợi hầu như chưa có,… Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, trên cơ sở tiếp quản Sở Nông lâm Bắc Việt của chính quyền cũ, năm 1955 Sở Nông lâm Hà Nội được thành lập bao gồm các Ty, Phòng, Trạm để quản lý chỉ đạo là: Ty Canh nông ngoại thành (thuộc các quận 5, 6, 7), Phòng Canh nông (quận 8), Phòng nghề cá và 2 Trạm phúc kiểm lâm. Nhiệm vụ của Sở là hướng dẫn nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với số cán bộ ban đầu là 250 người (trong đó trình độ Cao đẳng có 6 người, trình độ Trung cấp kỹ thuật có 12 người, còn lại là công nhân viên). Quá trình cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã được Thành ủy, UBND Thành phố chỉ đạo sát sao với phương châm kết hợp giữa thủy lợi hóa và hợp tác hóa; chỉ đạo bước đầu thí điểm cơ khí hóa nông nghiệp từ những năm 1960 của thế kỷ XX.
Liên tục trong các năm sau ngày giải phóng, các hệ thống thủy nông, thủy lợi lớn đã được xây dựng dần đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nhân dân tích cực khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; mở rộng phát triển thêm các ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Qua 10 năm tiến hành khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội chủ nghĩa và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nông nghiệp Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nông nghiệp phát triển theo hướng đa canh và thâm canh, từ trồng cây lương thực là chủ yếu sang trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi, thủy sản. Nông nghiệp ngoại thành Hà Nội hình thành ba vùng chuyên canh (vùng 1: sản xuất rau và chăn nuôi; vùng 2: sản xuất cây công nghiệp, rau, đậu thực phẩm và chăn nuôi; vùng 3: sản xuất lương thực và chăn nuôi), từng bước trở thành vành đai thực phẩm của Thành phố. Năm 1965, diện tích gieo cấy lúa đạt 42.369 ha, năng suất 45,84 tạ/ha, sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 190.000 tấn), huy động lương thực cho nhà nước đạt 19.280 tấn. Chăn nuôi phát triển với tổng đàn lợn năm 1965 đạt 173.380 con; đàn bò đạt trên 25.000 con, đàn gia cầm trên 500.000 con; nuôi trồng thủy sản đạt gần 7.000 ha, sản lượng trên 5.000 tấn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1965 đạt 76.169 triệu đồng, trong đó trồng trọt đạt 49.554 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 65%;… Đến năm 1967, nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã đạt mức 5,16 tấn thóc/ha, vượt qua ngưỡng 5 tấn (sau tỉnh Thái Bình) trong đó có nhiều hợp tác xã (HTX) đạt 7 tấn/ha, như HTX Hà Nội - Huế - Sài Gòn; HTX Đại Từ; HTX Yên Duyên,…
Trong giai đoạn 1965 - 1975, ngành Nông nghiệp Hà Nội vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. CCVC - NLĐ của ngành đã hướng dẫn, động viên và cùng bà con nông dân vượt qua khó khăn, gian khổ, chống thiên tai, địch họa, thực hiện 3 cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp được củng cố thông qua cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, đưa lên HTX bậc cao; thực hiện “3 xây, 3 chống” trong các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp. Năng suất lúa đạt trên ngưỡng 5 tấn/ ha/năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1975 đạt 90.907 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 1965.
Khi đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ trương của Thành ủy, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp theo Chỉ thị của Trung ương, kiện toàn bộ máy HTX, củng cố, sắp xếp lại lao động; quy hoạch phân vùng sản xuất. Thực hiện Chỉ thị số 100-CT/ TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư TW Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cho nhóm lao động và người lao động trong HTX nông nghiệp” (khoán 100) và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về “Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10); thực hiện cơ chế khoán sản phẩm đến hộ nông dân là khâu đột phá trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, quan hệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nông dân, tạo ra động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp phát triển, làm biến đổi sâu sắc nền nông nghiệp Thủ đô và kinh tế - xã hội ngoại thành Hà Nội. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 52,9 vạn tấn (năm 1989), sản xuất vụ đông đạt 45% diện tích canh tác.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 (ngày 12/8/1991) về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, từ cuối năm 1991 ngoại thành Hà Nội thu gọn lại chỉ còn 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn). Để tăng cường chỉ đạo ngành phát triển toàn diện, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa Thủ đô, Sở đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 06 về “Phát triển kinh tế ngoại thành và xây dựng nông thôn mới” (giai đoạn 1992- 1995). Chương trình đã mở đường và tạo đòn bẩy trong việc phát huy tiềm năng to lớn của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Thực hiện Nghị quyết TW lần thứ 5 (khóa VII) về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn”, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế hàng hóa, quy hoạch và quản lý đất đai theo hướng xây dựng vùng chuyên canh gắn với cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản; công tác thủy lợi, đê điều được hiện đại hóa, cứng hóa,… đảm bảo phục vụ sản xuất phòng chống lụt bão. Các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học được áp dụng phổ biến trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã tạo ra bước nhảy vọt trong nông nghiệp. Giá trị sản lượng, năng suất, chất lượng các loại sản phẩm nông nghiệp và kinh tế nông thôn đều tăng trưởng với tốc độ cao. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, để phù hợp với tình hình mới năm 1996, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Sở Thủy lợi Hà Nội và Sở Nông lâm nghiệp Hà Nội. Trong giai đoạn này cho đến thời điểm trước tháng 8/2008, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế hàng hóa, quy hoạch và quản lý đất đai theo hướng xây dựng vùng chuyên canh gắn với cơ sở sơ
chế, chế biến và bảo quản nông sản; công tác thủy lợi, đê điều được hiện đại hóa, cứng hóa,… đảm bảo phục vụ sản xuất phòng chống lụt bão. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2008 đạt 25.729 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 24.541 tỷ đồng (bằng 95%) tổng giá trị sản xuất, trong đó: giá trị sản xuất trồng trọt chiếm 53%, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 44%, giá trị dịch vụ chiếm 3%. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đổi mới, nâng cấp; hệ thống đê điều, công trình thủy lợi được củng cố đảm bảo phục vụ sản xuất, an toàn phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả thiên tai; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao một bước.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, tháng 8/2008, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội được thành lập lại trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tây và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (cũ). Từ khi sáp nhập đến nay, sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tiến bước vững chắc với những thành tích đáng tự hào. Năm 2023 tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản Thủ đô tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 đạt 60.756 tỷ đồng theo giá thực tế (giá so sánh năm 2010 là 41.679 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2008 đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 66,01 triệu đồng/người/ năm (tăng hơn 8 lần so với năm 2008). Trong đó có một số huyện thu nhập cao như: Thạch Thất đạt 100 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 78 triệu đồng/người/năm, Đông Anh đạt 78,88 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 0,06% (cơ bản không còn hộ nghèo), có 06 huyện không còn hộ nghèo: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì.
Hiện tại, thành phố Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên là 3.358,59 km², dân số khoảng 8,33 triệu người, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố là 197.428 ha (chiếm 58,8% tổng diện tích đất). Trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 155.386 ha (chiếm 46,2% tổng diện tích đất); đất lâm nghiệp có rừng 20.325 ha (chiếm 6,1% tổng diện tích đất); đất nuôi trồng thủy sản 14.972ha (chiếm 4,5% tổng diện tích đất); đất nông nghiệp khác 6.735 ha (chiếm 2,0% tổng diện tích đất). Hà Nội có 17 huyện, 01 thị xã và 05 quận còn sản xuất nông nghiệp, có 383/579 xã, phường, thị trấn. Dân số khu vực nông thôn: 4,30/8.43, triệu người, chiếm 51% dân số Thành phố; lao động khu vực nông thôn 2,143/4,012 triệu người, chiếm trên 53,4% lực lượng lao động của Thành phố.
- Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 224.524 ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1 triệu tấn/năm. Tổng diện tích cây lâu năm ước đạt 24,027 nghìn ha, trong đó nhóm cây ăn quả đạt 20,359 nghìn ha; cây chè đạt 2.000 ha; nhóm cây lâu năm khác đạt 1.427 ha.
- Số lượng đàn gia súc hằng năm: Đàn trâu ước đạt: 29.000 con; đàn bò 130 nghìn con, trong đó đàn bò sữa khoảng 17 nghìn con; đàn lợn 1,6 triệu con; đàn gia cầm ước đạt trên: 40 triệu con, trong đó đàn gà 26 - 27 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt trên: 403 nghìn tấn. Trong đó: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt: 2 nghìn tấn; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt: 10,6 nghìn tấn; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng: 235,8 nghìn tấn; sản lượng
thịt gia cầm: 160,9 nghìn tấn; sản lượng sữa tươi: 42,5 nghìn tấn; sản lượng trứng gia cầm các loại: 2.538 triệu quả.
- Diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản hằng năm ước đạt: 24,5 nghìn ha. Tổng sản lượng thủy sản hằng năm ước đạt: 123 nghìn tấn. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt: 121 nghìn tấn; sản lượng thủy sản khai thác: 1,7 nghìn tấn. Sản lượng giống: đạt 1.350 triệu cá bột các loại.
Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội; Chương trình số 04-CTr/TU ngày17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025: Tính đến tháng 10 năm 2024 trên địa bàn Thành phố có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến hết năm 2024 Hà Nội có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức); có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.924 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.382 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của Thành phố đã góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm của Hà Nội cả trong và ngoài nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp và các làng nghề của Thủ đô.
Về duy trì và phát triển làng nghề: Hiện tại thành phố Hà Nội có: 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã thu hút được một lực lượng lao động đáng kể từ khu vực nông thôn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: Hàng dệt may, đồ gỗ, nông sản chế biến,... góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao, tạo nên các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo ra nhiều sản phẩm nông sản hàng hoá chất lượng cao cho thị trường và cho xã hội, góp phần thúc đẩy và làm sôi động các hoạt động kinh tế khu vực nông thôn.
Thành phố có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó: có 262 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc
lĩnh vực thủy sản; tập trung nhiều ở các huyện như: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp
với tình hình thực tế của Hà Nội. Một số mô hình tiêu biểu như: Công ty TNHH xuất nhập
khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà
Nội tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm; Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tại huyện
Chương Mỹ; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý tại xã
Đan Phượng, huyện Đan Phượng; Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì; Hợp tác xã Hoàng Long tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.
Về kết nối tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn: Hiện nay Thành phố phát triển và duy trì được 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê,...
Sau 70 năm xây dựng và phát triển, từ Sở Canh Nông với hơn 100 CCVC NLĐ, đến nay bộ máy tổ chức của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã lớn mạnh bao gồm: Ban Lãnh đạo Sở; 05 phòng chức năng và Thanh tra Sở; 07 Chi cục quản lý chuyên ngành; 05 Trung tâm và 02 Ban Quản lý; với biên chế hành chính, sự nghiệp tính đến hết tháng 5 năm 2024 là 1.543 biên chế. Nhìn chung đội ngũ CBCNVC trong ngành có tinh thần đoàn kết, được đào tạo cơ bản, có trách nhiệm và kinh nghiệm trong công tác. Các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh,... hoạt động đồng đều và hiệu quả./.
Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội