Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tái đàn heo thịt bù lỗ nhờ duy trì đàn heo nái

Với kinh nghiệm thực tế và có thêm kiến thức sau khóa học đào tạo nghề “Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi’ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, Anh Trần Đức Khoát (1966) cư trú tại Ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu duy trì được đàn heo nái sinh sản, tái đàn heo thịt sau thời gian dài giá heo giảm sâu.



Anh Khoát kể, mặc dù đã nuôi heo từ năm 2015, nhưng việc sử dụng thuốc phòng và trị bệnh vẫn theo hướng dẫn của cửa hàng thuốc thú y nên hiệu quả chưa cao, các loại kháng sinh sử dụng cùng lúc đối kháng, không có tác dụng, tăng chi phí đầu tư. Năm 2016, khi tham gia khóa đào tạo nghề “Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi” do Trung tâm Khuyên nông tỉnh tổ chức thì việc chăn nuôi thuận lợi hơn nhiều, nhất là việc sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho heo. Khi heo có hiện tượng nhiễm bệnh anh có phác đồ điều trị, dùng thuốc đúng, đủ liều nên đàn heo của anh luôn phát triển tốt và không có dịch bệnh xảy ra.

Nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi, từ một cơ sở chỉ vài chục mét vuông, anh Khoát đầu tư mở rộng chuồng trại lên 400m2, gây dựng 25 heo nái, một năm đẻ 400 heo con, anh giữ lại khoảng 200 con nuôi heo thịt, số còn lại anh bán heo giống.

Vận may không đến với anh khi heo nuôi đến kỳ xuất chuồng thì thị trường heo hơi một thời gian dài giảm sâu dưới mức đầu tư. Việc nuôi heo trở thành gánh nặng cho gia đình. Lúc này anh buộc phải bán đàn heo thịt chịu lỗ khoảng 300 trăm triệu đồng. Tuy nhiên, với anh chăn nuôi heo là nghề chính của gia đình. Vẫn biết là khó khăn nhưng anh không gạt bỏ nghề, mà quyết định giảm đàn heo nái từ 25 con xuống còn 11 con để duy trì tái đàn.

Theo anh Khoát, trong chăn nuôi việc sử dụng thuốc và vệ sinh thú y luôn thực hiện nghiêm ngặt ngay cả khi thua lỗ nặng, gia đình anh Khoát vẫn tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi, quản lý trại heo theo hướng an toàn sinh học kết hợp tiêm phòng theo lịch, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trại heo có trang thiết bị thông gió, làm mát, máng ăn, vòi nước uống tự động. Dùng hóa chất sát trùng các phương tiện trước khi vào trại heo. Sử dụng Vacxin phòng bệnh đúng chu kỳ. Chuồng trại và đồ dùng chăn nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ. Chất thải sau phun rửa, thu gom ủ với chế phẩm vi sinh để bón cho cây trồng. Số chất lỏng còn lại, được đưa xuống hầm biogas.

Nhờ có kiến thức và cách làm đúng, mà hơn một năm nay trang trại nuôi heo của gia đình anh không có dịch bệnh xảy ra, đàn heo giống và heo thịt luôn được thị trường chấp nhận. Hiện tại, với 11 heo nái tham giasinh sản, anh xuất bán cho người chăn nuôi trong khu vực khoảng 100 con giống chất lượng tốt, với giá 500.000 ngìn đồng mỗi con, 100 con heo thịt có trọng lượng khoảng 100kg/con, với giá khoảng 55.000đồng/kg."Với đà này chỉ sau hai chu kỳ heo thịt gia đình tôi có thể bù được phần lỗ”, anh Khoát vui cười san sẻ.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình nuôi heo anh Khoát cho biết: Với heo thịt thời gian nuôi từ 3,5-4 tháng có thể đạt trọng lượng trung bình khoảng 100 kg/con, lúc này có thể xuất chuồng, nếu giá cao thì có thể nuôi heo thịtlên trọng lượng khoảng 120kg/con. Khẩu phần ăn và hàm lượng đạm được thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với heo nái, khi mang thai sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm từ 12-13%, thời gian heo đẻ và cho con bú sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 17-18%, kết hợp sử dụng thêm khoáng và vitamin để tăng sức đề kháng và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. “Heo con từ lúc đẻ cho đến thời kỳ 21 ngày tuổi là có thể cai sữa tách đàn. Tuy nhiên, nếu heo mẹ sữa còn tốt thì nên cho heo con bú mẹ tiếp, chỉ khi sữa của heo mẹ không còn tốt thì mới tách đàn”. Anh Khoát cho biết thêm.

Mặc dù hiên tại giá heo đang ở mức có lãi cho người nuôi. Tuy nhiên, anh Khoát vẫn mong Nhà nước nên có các chính sách khuyến khích đầu tư để duy trì sản xuất chăn nuôi; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần tổ chức dưới dạng tổ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ để tăng quản trị, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo chuổi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tránh hiện tượng khủng hoảng cung - cầu như thời gian vừa qua. Ngoài ra cần có cơ chế quản lý theo dõi lượng thức ăn sản xuất cho heo nái và heo thịt của các nhà máy để điều tiết cho phù hợp với việc tái đàn; hạn chế nhập khẩu thịt heo để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, tránh lập lại bão giá như những năm vừa qua./.

Trọng Hoàng - TTKN Bà Rịa Vũng Tàu