Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô: Nỗ lực đạt mục tiêu đề ra

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025".



Do vậy, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã, đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều mục tiêu đề ra.

Nhiều mục tiêu cán đích

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra một số mục tiêu liên quan đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Đó là, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt từ 2,5% đến 3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70%. Đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Thành phố công nhận thêm hơn 50 làng nghề, nghề truyền thống và phấn đấu có hơn 80% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để hoàn thành các mục tiêu này, Sở Nông nghiệp & PTNT, các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và không ít mục tiêu đã cán đích. Đơn cử như tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm đạt từ 2,5% đến 3% được duy trì trong suốt 3 năm qua. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi đã hình thành; nông nghiệp sinh thái, dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Từ năm 2021 đến hết tháng 6-2024, thành phố đã đánh giá được 1.657 sản phẩm OCOP, còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm. Trong năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, dự kiến đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ vượt mục tiêu đề ra trước 1 năm. Đặc biệt, thông qua tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 66,01 triệu đồng và dự kiến năm 2024 đạt 75 triệu đồng; nhiều địa phương đã xóa được hộ nghèo…

Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vẫn chưa theo kịp với nhu cầu phát triển; hoạt động khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất chưa cao… Điển hình như làng nghề, làng có nghề được công nhận, mục tiêu đề ra là 50 làng nghề, đến hết năm 2023 mới có 24 làng nghề được công nhận; hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mục tiêu là 80%, đến hết năm 2023 mới đạt 65%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mục tiêu là hơn 70%, đến hết năm 2023 toàn thành phố mới đạt 46%...

Phát triển mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị

Nhìn nhận đúng những khó khăn, tồn tại, Hà Nội đã và đang đề ra các giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố sẽ bám sát quy hoạch, vận dụng những điều khoản mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi) để tập trung quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp... Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ nhiệm vụ, giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực chế biến sâu. Thành phố cũng đơn giản hóa các thủ tục đăng ký cấp giấy phép kinh doanh...

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đã tập trung phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Huyện cũng đẩy mạnh phân loại, đánh giá sản phẩm OCOP, tạo tiền đề, nền tảng cho tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới kinh tế nông thôn.

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thành phố tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh. Thành phố cũng chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại những vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tập trung chỉ đạo chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao. Ngoài ra, thành phố tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của thành phố...

“Hà Nội chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm khu vực đô thị, khu vực ven đô; phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh./.

NT (Theo Báo HNM)