Nậm Lạnh là xã vùng núi cao của huyện biên giới Sốp Cộp, có tỷ lệ đất nông nghiệp thấp, trên 90% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số có phương thức sản xuất manh mún, tự phát… Từ khi các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, mảnh đất này như được khoác lên mình bộ áo tươi mới hơn.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Toản đã luôn ôm ấp niềm say mê với các loại cây trồng, vật nuôi. Anh dành thời gian đi nhiều nơi, chứng kiến, học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích trong việc xây dựng và phát triển trang trại. Anh nhận thấy việc phát triển chăn nuôi tập trung sẽ mang lại giá trị kinh tế và sự phát triển bền vững hơn sản xuất nông hộ, tự phát. Từ đây, trong anh bắt đầu ấp ủ dự định về một trang trại do chính mình làm chủ.
Bắt đầu lập nghiệp khi 26 tuổi, anh vay mượn bạn bè, người thân đầu tư xây dựng trang trại với quy mô 500 con gà Lạc Thủy, sau đó nâng lên quy mô 5.000 con. Vì quy mô chuồng trại không được nâng cấp, không kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, kiến thức chăn nuôi còn hạn chế nên gà liên tục bị mắc bệnh và chết. Tuy thất bại, nhưng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2018, anh thành lập HTX Nông nghiệp Toản Duyên, vay thêm 300 triệu đồng đầu tư nuôi lợn. Thời điểm đó, lợn rớt giá chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, anh mạnh dạn mua hơn 100 con lợn thịt về nuôi. Không ngờ đến giai đoạn xuất bán giá lợn tăng phi mã lên 93.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí, trung bình 1 con lợn anh lãi hơn 5 triệu đồng.
Có vốn, anh tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng đàn nuôi, chuyển đổi diện tích đất không hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, trồng cây ăn quả, vừa tăng thêm thu nhập vừa tận dụng được nguồn phân, nước thải từ chăn nuôi.
Chia sẻ về thành công của mô hình HTX, anh Toản cho biết: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Anh đã chủ động trực tiếp cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn, giúp đỡ cho các hội viên trong HTX về quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bón phân, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; hay các kỹ thuật úm vật nuôi, tiêm phòng vắc xin, điều trị bệnh trong chăn nuôi... Đồng thời hướng dẫn công tác phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả nhằm tăng năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích.
Đến nay, HTX đã có 15 thành viên chính thức và 25 thành viên liên kết, chuồng nuôi lợn luôn duy trì 200 lợn thịt, 15 lợn nái, 35 con trâu bò sinh sản, vỗ béo nhốt chuồng, liên kết và phát triển 19 ha xoài, 10 ha cam quýt, 27 ha dứa, 110 ha cây bạch đàn và 40 ha gừng. Dự định trong thời gian tới, anh Toản sẽ đưa HTX phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, hữu cơ, đẩy mạnh liên kết chuỗi với các công ty để mở rộng quy mô, giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn…
Anh Toản tính toán: Nếu cộng dồn thu nhập từ tất cả các loại cây trồng, vật nuôi, trung bình HTX thu về 4 tỷ đồng/năm (chưa trừ chi phí), tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động, thu nhập bình quân của các thành viên đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.
Đánh giá về sự phát triển của HTX Nông nghiệp Toản Duyên, ông Tòng Văn Cường, giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Với tính cách năng động, sáng tạo, đam mê học hỏi, biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng và có những cách làm mới, đồng chí Toản là một trong những giám đốc HTX trẻ tuổi và có tài. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực tạo điều kiện tối đa để thành viên HTX phát huy điểm mạnh của kinh tế tập thể để phát triển tốt hơn.
Những thành công bước đầu của anh Tòng Văn Toản, HTX Nông nghiệp Toản Duyên là những minh chứng rõ nét của tinh thần trẻ, kiên trì theo đuổi mục đích, sáng tạo trong lao động, gắn kết, chia sẻ để cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương./
NT (Theo TTKNQG)