Những ngày giữa tháng 7, tranh thủ buổi sáng sớm chưa nắng gắt, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nga, ở đội 5, thôn Phú An, xã Thanh Đa xuống đồng hái cà pháo đến vụ thua hoạch.
Chị Nga cho hay, gia đình canh tác 4 sào rau màu các loại, mỗi năm 3 vụ. Dù vẫn chịu ảnh hưởng của thời tiết và giá cả thị trường nhưng thu nhập từ rau an toàn vẫn cao hơn cây lúa. Trừ chi phí sản xuất, mỗi sào canh tác rau màu của gia đình chị Nga cho lời lãi hơn 30 triệu đồng.
Không chỉ hộ chị Nga, hơn 400 hộ dân thôn Phú An cũng đang “sống khoẻ” nhờ trồng rau an toàn. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Đa Nguyễn Văn Hữu cho biết, thu nhập từ 1 sào canh tác rau màu đạt khoảng 7 triệu đồng.
Theo ông Hữu, hơn 10 năm trước, vùng rau an toàn tại thôn Phú An được UBND TP đầu tư hàng chục tỷ đồng để chuẩn hóa quy trình canh tác. Hiện nay, đây vẫn là một trong những vùng canh tác rau an toàn lớn nhất, có khả năng cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 800 tấn rau, củ, quả các loại mỗi vụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Đức Dũng, với chất lượng được duy trì qua nhiều năm tháng, đến nay đã có 3 sản phẩm rau được UBND TP công nhận đạt từ 3 sao trở lên trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); cụ thể là bắp cải, cải ngồng và cải mơ.
Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, với sự hỗ trợ của UBND huyện Phúc Thọ, xã Thanh Đa đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn qua kênh thương mại điện tử. Đáng chú ý khi việc sản lượng rau an toàn được tiêu thụ qua kênh online hiện chiếm đến 40% tổng lượng sản phẩm. Việc tiêu thụ thuận lợi, theo đại diện UBND xã Thanh Đa cũng bởi chất lượng rau được bảo đảm và cấp chứng nhận OCOP.
“Năm 2022, địa phương phấn đấu có thêm 4 sản phẩm OCOP. Chúng tôi kỳ vọng việc được cấp chứng nhận OCOP sẽ tạo đòn bẩy cho việc tiêu thụ nông sản, hàng hoá, từ đó cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân” - ông Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm./.
TA (Theo Báo KTĐT)