Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơn La: Tổ khuyến nông cộng đồng, địa chỉ tin cậy của nông dân

Các tổ khuyến nông cộng đồng tại Sơn La đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nông dân khi cần hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất, tư vấn thành lập hợp tác xã...



Địa chỉ tin cậy của nông dân

Sơn La là một trong 13 tỉnh được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) lựa chọn triển khai thực hiện Đề án thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) theo Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đây là đề án nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố, xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Sơn La đã ban hành quyết định thành lập thí điểm 2 tổ KNCĐ trên địa bàn huyện Mai Sơn và Thuận Châu gồm 14 thành viên và ban hành quy chế hoạt động của tổ KNCĐ trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Khuyến nông Sơn La là đơn vị đầu mối tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho tổ KNCĐ.

Chị Lò Thanh Bình, cán bộ phụ trách Tổ KNCĐ (Trung tâm Khuyến nông Sơn La) cho biết, nhiệm vụ của Tổ rất đa dạng như: Hỗ trợ, tư vấn cho hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) về kỹ thuật sản xuất; thành lập, phát triển HTX nông nghiệp; phát triển thị trường; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp…

Thành phần tham gia các Tổ cũng rất đa dạng như: Cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; lãnh đạo, người đứng đầu UBND, tổ chức đoàn thể cấp xã; cán bộ khuyến nông doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn... Việc thu hút nhiều thành phần tham gia, nhất là lực lượng cán bộ khuyến nông doanh nghiệp đã giúp hoạt động của Tổ bám sát thực tiễn, giúp các HTX, hộ sản xuất gia tăng hiệu quả, giá trị kinh tế.

Cán bộ khuyến nông của doanh nghiệp nắm bắt được định hướng của công ty, thông tin thị trường. Họ sẽ cùng các thành viên ở khối quản lý nhà nước tư vấn cho người dân tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu về chất lượng và thị hiếu của thị trường. Từ đó, gia tăng giá trị, lợi nhuận trên đơn vị diện tích canh tác”, chị Bình cho hay.

Theo chị Bình, mặc dù thời gian đi vào hoạt động chưa lâu (hơn 1 năm) nhưng văn phòng làm việc của Tổ KNCĐ ở 2 huyện Mai Sơn và Thuận Châu đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân khi cần hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, khi có nhu cầu thành lập HTX được tư vấn miễn phí về các quy định pháp luật, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh.

Về phía mình, các thành viên của Tổ cũng tích cực học tập chuyên môn. Cụ thể năm 2023 đã tổ chức được 12 lớp tập huấn cho thành viên tổ KNCĐ thí điểm và mở rộng theo Đề án; tổ KNCĐ theo tiêu chí 13.5 nông thôn mới; HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, nông dân.

Qua các lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị các kỹ năng, kiến thức nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hỗ trợ nông dân tiếp cận, tham gia các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử phục vụ mở rộng kênh tiêu thụ nông sản. 

Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, bước đầu các Tổ KNCĐ đã giúp người dân kết nối tiêu thụ được hơn 10 tấn dứa và hơn 5 tấn na hoàng hậu với các thương lái, doanh nghiệp.

Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Hoài ở Tiểu khu 32, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) là một trong rất nhiều hộ được Tổ KNCĐ huyện Mai Sơn hỗ trợ về kỹ thuật canh tác và cách tiếp cận thị trường tiêu thụ nông sản. Chị Bích phấn khởi chia sẻ: Gia đình đã phát triển trồng na được gần 8 năm nhưng chưa khi nào vườn na lại có tầng đất màu mỡ, bền cây, giảm hẳn tình trạng vàng lá, thối rễ như hiện tại.

Trước đây, việc trồng na của gia đình chị Bích chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năm được, năm mất. Thăm vườn thấy có sâu bệnh là phun thuốc, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường...

Từ khi được Tổ KNCĐ huyện Mai Sơn hướng dẫn thay đổi kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại..., mọi việc đã thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều.

Năng suất na trung bình tăng từ 30kg/cây lên 40 - 50kg/cây. Với giá bán bình quân 35.000 - 40.000 đồng/kg, phần tăng lên về năng suất đã giúp gia đình chị gia tăng đáng kể thu nhập. Đặc biệt, gia đình đã nắm bắt được kỹ thuật rải vụ nên có thể gia tăng thêm vụ na dịp Tết Nguyên đán, vừa thuận lợi tiêu thụ vừa có giá bán cao.

Bà Hà Thị Bích Nguyệt, thành viên Tổ KNCĐ huyện Mai Sơn chia sẻ, từ sự bỡ ngỡ ban đầu, hoạt động của Tổ đã dần đi vào quy củ, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của HTX, hộ sản xuất trên địa bàn.

Hiện tại, Tổ đang phối hợp với cán bộ khuyến nông của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) phân vùng sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho nhà máy chế biến rau quả của Doveco tại huyện Mai Sơn. Đây được kỳ vọng là hướng đi khả quan giúp các hộ thay đổi tư duy, nâng cao giá trị sản xuất, có điều kiện cải thiện cuộc sống, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cầu nối giữa doanh nghiệp, thị trường với nông dân

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Doveco Sơn La cho biết, trung tâm chế biến rau quả tại Sơn La của Công ty hiện đã đi vào hoạt động nên nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Để đảm bảo nguồn cung ổn định, Công ty đang tích cực xây dựng các vùng nguyên liệu trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, do đặc thù ở Sơn La mỗi địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập tục canh tác khác nhau nên lực lượng cán bộ kỹ thuật, khuyến nông của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển chuỗi liên kết với người dân.

Bên cạnh đó, Công ty liên tục đưa vào các vùng nguyên liệu những giống cây trồng mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của các thị trường khác nhau, trong khi trình độ canh tác, tiếp cận với khoa học công nghệ của đại bộ phận người dân các dân tộc thiểu số ở các vùng nguyên liệu còn nhiều hạn chế.

Chính vì vậy, khi Đề án tổ KNCĐ được triển khai, Công ty nhận thấy đây là điều kiện rất thuận lợi để huy động tối đa các nguồn lực từ cả khối công và tư để thu hút, dẫn dắt nông dân sản xuất hiệu quả, hình thành các chuỗi liên kết bền chặt. Xuất phát từ nhu cầu đó, Công ty đã cử bán bộ khuyến nông của Công ty tham gia các Tổ KNCĐ thí điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo ông Thắng, lực lượng tham gia các tổ KNCĐ gồm nhiều thành phần đã tạo nên hệ thống xuyên suốt từ tỉnh tới xã, trong đó lực lượng khuyến nông nhà nước là nòng cốt. Hơn ai hết, đây là đội ngũ có thâm niên bám cơ sở, đồng hành và hiểu người dân. Các tổ KNCĐ sẽ là lực lượng cầu nối quan trọng của Công ty với người dân trong việc phổ biến thông tin thị trường, kỹ thuật, quy trình chăm sóc để đảm bảo tạo ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với yêu cầu thị trường…

“Khi khuyến nông nhà nước bắt tay với khuyến nông doanh nghiệp để hướng dẫn nông dân sản xuất thì không còn gì thuận lợi bằng. Hai khối công - tư với thế mạnh, kinh nghiệm của mình sẽ bổ trợ nhau nhằm thu hút, dẫn dắt được nông dân sản xuất hiệu quả, hình thành các chuỗi liên kết bền chặt, phát triển bền vững”, ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Doveco Sơn La đánh giá.

Sớm tháo gỡ các khó khăn

Theo Chị Lò Thanh Bình, cán bộ phụ trách Tổ KNCĐ (Trung tâm Khuyến nông Sơn La), mô hình tổ KNCĐ là hướng đi mới, kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp hữu ích vào sản xuất. Từ đó, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, để các tổ KNCĐ có thể phát huy được hết vai trò của mình, cần sớm có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đang phải đối diện như: Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho tổ KNCĐ, mọi hoạt động diễn ra trên tinh thần tự nguyện và lồng ghép. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và địa điểm làm việc còn thiếu. Các thành viên tham gia tổ chưa được đào tạo chuyên sâu về phát triển HTX, kiến thức về thị trường, liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số... nên quá trình hỗ trợ nông dân còn gặp nhiều khó khăn…/.

NB (Theo nongnghiep.vn)