Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơn La: Thu nhập cao từ việc nuôi vịt bán trứng

Anh Phùng Văn Thủy, sinh năm 1995 ở tiểu khu 9 (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nuôi vịt bán trứng trên diện tích hơn 4.000m2. Mỗi năm anh Thủy bỏ túi hơn 70 triệu đồng, từ việc bán trứng ra thị trường.



           Anh Thủy cho biết: Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh về nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Thấy nghề nuôi vịt bán trứng có thể mang lại thu nhập cao, để thử sức mình và cũng không muốn ngửa tay xin tiền ăn tiêu mãi, anh nói với bố là vay vốn để đầu tư chuồng trại và ao thả vịt. Nếu sau 2 năm không thành công, anh sẽ đi làm thuê ở công ty trả tiền bố mẹ. Bố mẹ anh đã tin tưởng và ủng hộ. Sau đó, anh xuống mua giống ở các trang trại lớn dưới Sơn Tây (Hà Nội) về nuôi trên diện tích hơn 4.000m2.

            “Bước đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa hiểu về tập tính sinh sống và cách chăm sóc vịt, nên đàn vịt còi cọc và đẻ trứng rất ít. Sau đó tôi lên mạng internet và sách báo tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, nhờ vậy mà đàn vịt trong trang trại của tôi phát triển rất tốt, ít bị dịch bệnh” – anh Phùng Văn Thủy chia sẻ.

            Theo kinh nghiệm nuôi vịt của anh Thủy: Cần xây dựng chuồng nuôi gần bờ ao, để thuận tiện cho vịt tắm. Chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông. Có bạt che xung quanh để khi mưa, chuồng nuôi luôn được khô ráo. Chuồng nuôi chỉ làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm như tre, lứa... Tường bao không cần quá kín để tiện lợi việc đi lại của vịt, dễ dàng vệ sinh và đảm bảo sự thông thoáng. Nền chuồng có thể xây bằng gạch hoặc láng xi măng để dễ quét dọn, trong lúc xây dựng phải tạo độ dốc về sau.Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn và máng uống cho vịt trước khi đưa vịt vào nuôi. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi, để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.

            Để nuôi vịt thành công, người nuôi cần chọn những con giống có lông bông và mịn, mắt sáng, to, lanh lợi, chân bóng mượt, nhanh nhẹn khỏe mạnh. Không chọn con bị dị tật, quá bé hoặc quá to so với trung bình của con giống như hở rốn, yếu, khèo chân, nặng bụng bết lông…

            Anh Phùng Văn Thủy cho hay: “Vịt rất dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít dịch bệnh. Tôi thấy nuôi vịt có nhiều thuận lợi, với đặc thù của vịt là có thể sử dụng thức ăn xanh và các loại phụ phẩm nông nhiệp, vịt có thể vặt tận gốc cây cỏ, cả phần củ rễ. Với số lượng hơn 600 con vịt đẻ, mỗi ngày tôi xuất 300 quả trứng, bình quân 1 tháng tôi cung cấp ra thị trường 9.000 quả. Tôi bán 1 quả trứng tại trang trại với giá dao động từ 2.500 đồng – 3.000 đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 70 triệu đồng/năm”.

            Hiện nay nghề nuôi vịt bán trứng trên địa bàn xã Tân Lập vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nên đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định, ít bị rớt giá như nuôi các loại gia cầm khác. Nhiều tiểu thương và các cửa hàng tạp hóa  ở ngoài huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La gọi điện đặt mua trứng vịt, nhưng anh Thủy không  đủ sản phẩm để bán.

            Ông  Vàng A Thào, Chủ tịch xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, cho biết: Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường về trứng vịt, chúng tôi dự định thời gian tới sẽ phối hợp Hội Nông dân và cán bộ Khuyến nông tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại cho các hội viên, nông dân. Ưu tiên các hộ có hoàn cảnh khó khăn và những hộ chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập trung, để trở thành mô hình sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân và xóa đói giảm nghèo…/.

TX (Theo Báo NTNN)