Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơn La: Nuôi vịt bầu cánh trắng vùng núi, thu 20 triệu đồng mỗi tháng

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, bà Quàng Thị Hậu, sinh 1973, bản Có (xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập điều đặn 20 triệu đồng mỗi tháng từ nuôi vịt bầu cánh trắng.



Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, bà Quàng Thị Hậu, sinh 1973, bản Có (xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã có thu nhập điều đặn 20 triệu đồng mỗi tháng từ nuôi vịt bầu cánh trắng.

Được sự giới thiệu của bà Bạc Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Xôm về gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế giỏi của xã, chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Quàng Thị Hậu ở bản Có. Đến nơi, vợ chồng bà Hậu đang tất bật rửa chuồng trại, cho đàn vịt ăn.

Nhìn thấy khách đến chơi, hội viên nông dân Quàng Thị Hậu tay bắt mặt mừng mời chúng tôi vào thăm gia đình. Rót chén nước mời khách, bà Hậu bảo: “Nuôi vịt vất vả lắm các chú ạ! Lúc bé, tôi chăm đàn vịt như chăm con mọn vậy”.

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, bà Hậu kể: Trước đây, gia đình tôi làm nương, làm ruộng. Mặc dù, lao động cật lực từ sáng đến tối nhưng làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không có tích lũy được mà mình thì già rồi, sức khỏe càng ngày càng yếu. Năm 2018, xem ti vi tôi thấy có mô hình nuôi vịt thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, tôi bàn với chồng quyết định từ bỏ công việc đồng áng chuyển sang đầu tư nuôi vịt thịt.

Khi mới bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên bà Hậu chỉ nuôi hơn 300 con vịt bầu cánh trắng. Qua lời giới thiệu của một vài người bạn có kinh nghiệm trong nuôi vịt, để chọn được giống vịt có chất lượng tốt, bà Hậu nhập con giống từ các trại giống có uy tín ở tỉnh Phú Thọ về nuôi thử.

Chia sẻ về lý do tại sao lại chọn nuôi vịt bầu cánh trắng, bà Hậu cho biết: So với các loại vịt khác, giống vịt bầu cánh trắng có ưu điểm: Sức đề kháng cao, phát triển nhanh, tỷ lệ thịt đùi, ức cao được các nhà hàng trên địa bàn thành phố Sơn La ưa chuộng.

Hiện, bà Hậu đang nuôi trên 10.000 con vịt bầu cánh trắng. Chuồng trại của bà Hậu chia thành 3 chuồng khác nhau để nuôi đàn vịt ở các độ tuổi khác nhau. Theo đó, chuồng đầu tiên bà Hậu thả giống vịt thịt trên 2,5 tháng tuổi chuẩn bị xuất bán; chuồng thứ 2 nuôi giống vịt khoảng hơn 1 tháng tuổi; chuồng còn lại bà Hậu đầu tư bóng đèn, quây kín bạt để nuôi và úm vịt giống mới nhập. Trung bình, mỗi năm bà Hậu nuôi khoảng 6 -7 đàn vịt. Như vậy, tháng nào bà Hậu cũng có vịt thịt xuất bán cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố.

Theo bà Hậu, khâu quan trọng nhất để nuôi vịt thành công là phải chọn được giống vịt có chất lượng tốt, như: Con giống to khỏe, nhanh nhẹn, không hở rốn; tiêm phòng đầy đủ; cho vịt uống nước sạch; phun khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Bên cạnh đó, người nuôi phải có sự quan sát tỉ mỉ từng con vịt để biết điều chỉnh lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh sao cho hợp lý.

Tiết lộ thêm kỹ thuật chăm sóc, bà Hậu bảo: Vịt giống khi mới nhập về từ 2 – 3 ngày tuổi phải cho uống ngay thuốc úm, thuốc bổ đầy đủ, tiêm kháng thể; từ 7 – 12 ngày tuổi, tiêm vắc xin phòng dịch tả, viên gan b, tụ huyết trùng; từ 12 – 17 ngày tuổi, tiêm ecoli, tụ huyết trùng…

Với cách nuôi gối vịt, cứ đều đặn 2 tháng sau khi vịt đạt trọng lượng từ 2 – 2,5 kg/con, bà Hậu xuất bán từ 300 – 400 con vịt thịt ra thị trường. Với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg vịt, bà Hậu thu nhập trên 40 triệu đồng, chia ra mỗi tháng bà thu 20 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Bạc Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Xôm, cho biết: Bước đầu mô hình chăn nuôi vịt thịt của bà Hậu đã gặt hái được thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Bà Hậu là hội viện nông dân điển hình cho các hộ nông dân khác học hỏi. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình bà Hậu và nhân rộng mô hình sang các hộ có điều kiện chăn nuôi khác để thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương./.

TX (Theo Báo NTNN)