Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơn La lần đầu tiên xuất khẩu chanh leo tươi sang Pháp

Cây chanh leo là loại cây ăn quả ngắn ngày, được trồng trong vườn nhà của nhiều hộ dân từ lâu, nhưng chỉ dừng ở việc trồng để ăn. Tháng 4/2015, HTX chanh leo Mộc Châu liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng thử nghiệm mô hình 5 ha tại Mộc Châu làm thay đổi cách nhìn về hiệu quả kinh tế hàng hóa đối với loại cây này.



Sau kết quả thử nghiệm tại huyện Mộc Châu và nghiên cứu mô hình chanh leo tại một số tỉnh, tỉnh Sơn La đã có chủ trương xây dựng kế hoạch phát triển cây chanh leo trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Sông Mă. 

Năm 2016, tổng diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La mới chỉ có 86ha, năng xuất 7 - 8 tấn quả/ha, đến tháng 6/2017 tổng diện tích chanh leo toàn tỉnh đã lên tới 487,1ha, trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là huyện Mộc Châu 277ha, Vân Hồ 43ha, Thuận Châu 53,6ha, Phù Yên 40ha... 

Nhờ cây chanh leo, hàng trăm hộ dân đã thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang loay hoay tìm cây trồng thay thế cây ngô trên đất dốc.

Ngày 26/11/2017 tại huyện Mộc Châu, Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc đã phân loại và đóng gói gần 2 tấn chanh leo tươi xuất khẩu sang thị trường Cộng hòa Pháp.Và ngày 28/11/2017, sản phẩm chanh leo tươi của tỉnh Sơn La đã có mặt tại siêu thị của Pháp.Chanh leo để có thể xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng 12 quả/kg, được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Vùng nguyên liệu của công ty hiện nay là trên 500 ha tập trung chính ở hai huyện Mộc Châu và Thuận Châu. Sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt trên 12.000 tấn quả tươi với giá bán bình quân 15 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí mỗi ha chanh leo cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng

Việc xuất khẩu chanh leo sang thị trường Pháp sẽ phát huy lợi thế về điều kiện sản xuất, khí hậu, thổ nhưỡng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La, nhằm tăng nhanh sản lượng sản phẩm có chất lượng và không ngừng gia tăng giá trị sản phẩm./.

Thanh Tuyền (Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam)