Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sơn La: Cung cấp trái cây an toàn cho siêu thị Hà Nội

Tỉnh Sơn La có gần 40.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt gần 200.000 tấn, doanh thu ước đạt 97,7 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng giá trị ngành trồng trọt. Các cây ăn quả trồng tập trung, có sản lượng lớn gồm: Nhãn, xoài, sơn tra, bơ, cam. Mỗi loại quả gắn với đặc trưng từng địa phương như: Sông Mã vùng trồng nhãn tập trung lớn nhất cả tỉnh; chuối, xoài tròn Yên Châu; mận hậu, bơ, dâu tây, hồng giòn (Mộc Châu); xoài ghép Đài Loan (Mai Sơn)...



Toàn tỉnh đã xây dựng được 25 chuỗi quả an toàn, quy mô gần 627ha, sản lượng ước đạt 6.500 tấn/năm, với các sản phẩm chủ yếu, như: Mận hậu, xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ, na, chanh leo, dâu tây, bơ... Nhờ uy tín về chất lượng, nhiều loại quả của Sơn La đã chinh phục được khách hàng khó tính và luôn có mặt tại các siêu thị Hà Nội như: Fivimart, Metro, VinMart... Đây là nỗ lực của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ quả an toàn.

Nhiều mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách trồng thông thường, người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất của mình. Tiêu biểu như HTX cam Văn Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có 14 thành viên, quy mô 16 ha cam, sản lượng ước đạt 140 tấn/năm. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc đã cung cấp và tiêu thụ cho các siêu thị TP. Hồ Chí Minh và các cửa hàng ở Hà Nội. Thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó các loại quả như táo, thanh long, bưởi da xanh của HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, được trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngày càng nhiều, doanh nghiệp, kênh phân phối, cửa hàng và người tiêu dùng liên hệ với HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài. Dự kiến, HTX sẽ mở rộng diện tích thâm canh cây ăn quả theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng.

Mặt khác, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sơn La cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, HTX, và người dân về lợi ích mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có 122 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh lực nông lâm, thủy sản, trong đó có 11 doanh nghiệp sản xuất rau, quả; 295 HTX nông nghiệp, trong đó: HTX trồng xoài 13; nhãn 24; cam, bưởi 9; sơn tra 2, chanh leo 3... Đây là thành công bước đầu, tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh nói chung và lĩnh vực cây ăn quả nói riêng phấn đấu cuối năm 2018, toàn tỉnh duy trì và phát triển 60 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn được xác nhận; 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định; quả xoài xanh, quả nhãn được xuất khẩu, góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp./.

                                                                                               TT (Nguồn Báo Sơn La)