Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương hỗ trợ hợp tác xã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ giúp các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng bán trên thị trường mà còn xây dựng thương hiệu để hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội.
Hiệu quả kép
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) Phạm Thị Tư Hậu cho biết, hợp tác xã đang sản xuất, chế biến nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… Toàn bộ sản phẩm của đơn vị đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu. Trong đó có 3 sản phẩm như: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhờ đó, trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn sản phẩm từ ngô, khoai, sắn, dừa. Riêng sản phẩm “Bánh sắn phomai” đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định...
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Xuân Nghĩa, năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện, hợp tác xã triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn. Nhận thấy hiệu quả, đơn vị đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, hợp tác xã đầu tư trồng rau trong nhà kính, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do sản xuất theo hướng công nghệ cao, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây nên đạt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống. Nhờ bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi thông tin, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 13.739 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và 15.808 hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Thời gian qua, chi cục đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng, được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP, 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
“Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ thay đổi tập quán sản xuất của nông dân mà còn giúp họ tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến chăm sóc, quản lý dịch hại, tăng năng suất, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao gấp 10-15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra, sản xuất nông sản theo hướng an toàn giúp các ngành chức năng kiểm soát được chất lượng bán trên thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng”, ông Hà Tiến Nghi cho biết thêm.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn mang lại hiệu quả rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai còn khó khăn do các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn còn nhỏ lẻ, manh mún. Người dân, hợp tác xã thiếu vốn đầu tư trang trại, vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi chấp nhận mua nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, gây khó khăn cho hàng nông sản an toàn cạnh tranh về giá…
Để tháo gỡ khó khăn và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bà Nguyễn Thị Lợi, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân (huyện Quốc Oai) kiến nghị các sở, ngành tham mưu thành phố ban hành chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, máy móc, trang thiết bị, địa điểm mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh; thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình hợp tác xã sản xuất có hiệu quả, giúp cán bộ quản lý và thành viên của hợp tác xã có điều kiện học tập, tích lũy kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến bảo đảm chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, vận động, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng an toàn; tăng cường hỗ trợ các cấp hội, hội viên hội nông dân, hội phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đấu tranh lên án hành vi vi phạm; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường giám sát sản phẩm trên diện rộng, theo vùng sản xuất tập trung, sản phẩm rủi ro cao, cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, chủ lực của thành phố, sản phẩm OCOP đến với đơn vị tiêu thụ, người tiêu dùng; cùng với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình phối hợp “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025”... để kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường./.
NT (Theo Báo HNM)