Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP tại huyện Cát Tiên

Cát Tiên là huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, nằm dọc sông Đồng Nai, có hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng hoàn chỉnh, thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với lúa là cây trồng chủ lực có diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 9.000 ha, trong đó có trên 7.500 ha lúa chất lượng cao, 500 ha lúa giống.



Huyện Cát Tiên đã ban hành các quy hoạch về xây dựng, hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích diện tích trên 1.300 ha để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, tạo nguồn nông sản chất lượng cao phục vụ cho nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”.

Để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích và vị thế của nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên”, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tập trung các nguồn lực để sản xuất lúa theo hướng VietGAP, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Từ năm 2018, để tạo ra bước đột phá trong sản xuất lúa gạo, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ như: Mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng VietGAP; mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP (USDA-NOP là Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận sản phẩm hữu cơ là sản phẩm không làm tổn hại đến môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn của USDA NOP (Chương trình Sản phẩm sạch của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ)tập trung tại thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn. Chính quyền xã Gia Viễn khuyến khích bà con nông dân thực hành nông nghiệp sạch để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và để hàng hóa có chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe.

Trong năm 2019, UBND huyện đã giao cho xã Gia Viễn triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP với diện tích là 11,005 ha tại thôn Cao Sinh. Đây là vùng đất phù sa được tích tụ rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Cát Tiên và sử dụng nguồn nước tưới thiên nhiên từ đầu nguồn của Hồ Đắc Lô, được các chuyên gia của Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Quyền Quý (Công ty được hợp đồng tư vấn kỹ thuật) đánh giá đảm bảo các tiêu chuẩn để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn USDA-NOP (từ nguồn nước, chất đất được phân tích đảm bảo các chỉ tiêu các chất độc hại như As, Cd, Pb, Cu, Hg... dưới mức quy định; đảm bảo dải cách ly với các khu vực sản xuất xung quanh, có lịch sử vùng trồng đảm bảo sản xuất theo hướng hữu cơ trong vòng 3 vụ liên tiếp...).

Việc sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP là một mô hình sản xuất đòi hỏi phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt từ việc cấm sử dụng nguồn giống lúa biến đổi gen, tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; chỉ sử dụng các nguồn phân bón có nguồn gốc hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại. Người nông dân sản xuất lúa phải đảm bảo ghi chép nhật ký sản xuất từ khi bắt đầu canh tác đến thu hoạch lúa.

 Ông Trần Tấn Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Viễn cho biết: “Sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP là một mô hình khó, đòi hỏi quyết tâm cao trong chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện, của đơn vị tư vấn kỹ thuật, sự vào cuộc của UBND và các đoàn thể của xã và đặc biệt là sự quyết tâm cao của người nông dân. sản xuất đòi hỏi người dân phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đồng thời yêu cầu người nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất... đảm bảo theo yêu cầu”.

Theo bà Đinh Thị Ngoan - Trưởng ban công tác Mặt trận của thôn Cao Sinh - Tổ trưởng tổ sản xuất lúa hữu cơ thôn Cao Sinh: Mặc dù năng suất trồng lúa hữu cơ chưa cao (năng suất đạt bình quân khoảng 6 tạ/sào), do vụ Hè thu thu hoạch trong điều hiện thời tiết mưa bão nên khó khăn trong thu hoạch và bảo quản sản phẩm lúa gạo; dù hợp tác xã Tân Hưng Phát hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra trong vụ Hè thu 2019, tuy nhiên giá bao tiêu vẫn ở mức thấp (cao hơn so với giá lúa bình quân trên địa bàn huyện khoảng 8 - 10%). Bên cạnh đó, trước đây, khi canh tác, bà con thường dùng và lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người nông dân. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng mà thay vào đó là bà con đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc bằng phân hữu cơ để giúp tăng trưởng cho cây lúa và cải tạo đất, đảm bảo chất lượng gạo sạch,... Trong thời gian tới đề nghị UBND xã và các cơ quan chức năng tiếp tục giúp đỡ Tổ hợp tác để tìm được đầu ra với giá thu mua đảm bảo để bà con yên tâm sản xuất.

Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng là ngày càng sử dụng nhiều các sản phẩm hữu cơ thì việc đầu tư, đẩy mạnhsản xuất các sản phẩm hữu cơ là việc làm cấp thiết để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, lúa là một trong những loại cây nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Cát Tiên nên việc đầu tư đúng tầm, từ đó nhân rộng mô hình này là rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết bài toán giảm chi phí và tăng thu nhập ngày càng cao cho người nông dân khi canh tác lúa hữu cơ trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tập trung các nguồn lực của huyện, của tỉnh cũng như liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hợp tác xã... để đẩy mạnh hơn nữa mô hình canh tác lúa hữu cơ ra phạm vi diện rộng trên toàn huyện. Trước mắt, sẽ tham mưu chỉ đạo cho UBND xã Gia Viễn (mô hình thí điểm) cùng với HTX Nông nghiệp Tân Hưng Phát vận động nông dân tham gia mô hình này nhiều hơn nữa để phát triển mở rộng diện tích mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP tại thôn Cao Sinh trong mùa vụ tới, đồng thời tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, người nông dân, người trực tiếp sản xuất phải không ngừng nâng cao trình độ canh tác, kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng các cải tiến, áp dụng kỹ thuật; tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ...

Trước xu thế hội nhập, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất, hướng nông dân từng bước tiến đến một nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững, đồng thời khẳng định được nhãn hiệu chất lượng “Lúa - Gạo Cát Tiên” trên thị trường tiêu thụ./.

                                                                 Hoàng Thị Luyên

 Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cát Tiên