Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Sản lượng cao nhờ nuôi cá xen vụ

Với diện tích mặt nước 3.000m2, mô hình nuôi cá lóc xen vụ với cá rô đầu vuông ông Nguyễn Văn Bích (65 tuổi, ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đưa sản lượng cá thương phẩm của gia đình lên hơn 40tấn/năm.



Đưa chúng tôi tham quan ao nuôi cá rô đầu vuông đang đến kỳ thu hoạch ông Bích kể trước đây gia đình chỉ có một cái ao nuôi lồng ghép các loài cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép, hàng năm thu hoạch sản lượng chẳng là bao. Từ khi biết phong trào nuôi cá rô đầu vuông phát triển mạnh ở các tỉnh miền Tây ông tìm hiểu và biết loài cá này có thể sống được trong môi trường khắc nghiệt hơn các loài cá truyền thống, có thể nuôi mật độ cao trong ao nước tĩnh rồi ông quyết định chuyển hướng đầu tư.

Ông Bích cho biết cách đây hơn 10 năm gia đình sống bằng nghề nuôi cá trên cái ao khoảng 2.000m2, với phương pháp nuôi quảng canh đánh tỉa thả bù, thức ăn chủ yếu là các loài phụ phẩm tự kiếm tại địa phương, thời gian nuôi dài, có khi nuôi cả năm mà sản lượng chỉ thu được vài tấn cá thịt. Có chút ít kinh nghiệm nuôi cá, năm 2015 ông Bích mạnh dạn chuyển sang nuôi cá theo hình thức công nghiệp.

Lúc mới chuyển hướng qua nuôi cá rô đầu vuông, những vụ nuôi đầu do còn thiếu kinh nghiệm trong khâu cải tạo ao nuôi, phương pháp chọn con giống, mật dộ thả nuôi cũng như cách cho ăn và quản lý môi trường ao nuôi nên sản lượng thu được so với quy mô đầu tư chưa tương xứng. Không bằng lòng với kết quả đạt được ông Bích chịu khó đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những vùng nuôi hiệu quả, những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, học hỏi phương thức sản xuất rồi ông tự tin và chủ động liên hệ với công ty sản xuất thức ăn thủy sản ký hợp đồng đặt mua thức ăn được sản xuất trực tiếp từ nhà máy. Nhờ vậy mà ông đã thành công với năng suất cao từ đó đến nay.

Ông Bích chia sẻ để nuôi cá rô đầu vuông sử dụng thức ăn viên công nghiệp có năng suất cao thì ao trước khi thả giống cần phải cải tạo kỹ. Sau khi thu hoạch xong ao được tát cạn, sên vét bùn đáy ao, bón vôi toàn bộ diện tích đáy và xung quanh bờ, phơi khô để cho vôi phát huy tác dụng diệt khuẩn và năng độ pH. Sau đó lấy nước vào ao, bón phân gây màu nước. Khi nước ao có màu lá chuối non là đặt trứng cá rô đầu vuông thả xuống ấp nở. Bằng cách làm này trứng sau khi nở, cá bột chuyển sang giai đoạn sử dụng thức ăn ngoài sẽ có thức ăn tự nhiên phù hợp cho cá phát triển và khi cá chuyển sang các giai đoạn cá giống, cá thịt thường có tỷ lệ sống cao, ít rủi ro mà chi phí lại thấp.

Nuôi cá rô đầu vuông bằng thức ăn công nghiệp thời gian nuôi khoảng 4-5 tháng là cá có thể đạt kích thước thương phẩm 4- 5 con/kg. Nếu có điều kiện nuôi tiếp thì cá có thể đạt 2-3 con/kg. Để thay đổi môi trường ao nuôi ông Bích thực hiện: Cứ một đợt thả cá rô đầu vuông rồi ông chuyển qua thả nuôi một vụ cá lóc đen. Không như con giống cá rô đầu vuông. Cá lóc đen, con giống được mua từ các cơ sở sản xuất tập trung và có uy tín về thả nuôi. Quy trình nuôi cá lóc đen cũng gần tương tự như nuôi cá rô đầu vuông nhưng thời gian sinh trưởng của cá lóc đen dài hơn. Thời gian để cá lóc đen đạt kích thuớc thương phẩm 1-1,5kg/con khoảng 6-7 tháng. Ông Bích cho biết.

Nắm được quy trình cũng như lợi thế về nguồn nước quanh năm từ hồ chứa, ông Bích tận dụng phần đất còn lại của gia đình mở rộng diện tích nuôi. Hiện gia đình có 2 ao nuôi, tổng diện tích mặt nước ao nuôi khoảng 3.000m2, mỗi năm nuôi xen vụ ông Bích thu được trung bình khoảng 40 tân cá, năng suất tương đương 120 tấn/ha.

Theo tính toán của ông Bích nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp có hệ số chuyển đổi khoảng 1.2 – 1.3 (một kg cá thịt tiêu tốn khoảng 1,2 đến 1,3 kg tức ăn). Những vụ cá trước đây khi chưa xảy ra đại dịch Covid, giá thức ăn phù hợp, các chi phí thuốc và hóa chất phòng bệnh ổn định, sau khi trừ chi phí sản xuất lợi nhuận ước đạt khoảng 30%. Cá thương phẩm đến kỳ thu hoạch không phải lo đầu ra mà có thương lái đến tận ao thu mua, giá cả theo thị trường và duy trì ổn định ở mức có lãi. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến khó lường nên việc thương lái đến tận ao thu mua còn gặp khó khăn. Mặt khác ngươi nuôi cá luôn phải chịu thiệt từ sức ép tăng giá của thức ăn công nghiệp, trong khi đó giá cá thương phẩm thì vẫn duy trì ở mức thấp, thâm chí nằm dưới giá thành sản xuất người nuôi xem như thua lỗ. Theo ông Bích để hỗ trợ cho người nuôi cá theo phương thức sản xuất hàng hóa các cơ quan quản lý cần xâu chuổi liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thượng hiệu cá rô đầu vuông cũng như cá lóc đen thương phẩm thành sản phẩm OCOP của địa phương nhằm hỗ trợ người nuôi duy trì sản xuất và phát riển bền vững.

Trọng Hoàng – TTKN Bà Rịa Vũng Tàu