Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quỹ Khuyến nông Hà Nội: 20 năm xây dựng và phát triển

Được thành lập từ năm 2002, hoạt động với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng, 20 năm qua Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã trở thành một kênh tài chính ưu đãi giúp các chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí quản lý thấp để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững.



 

Điểm tựa phát triển sản xuất

Năm 2002, Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội được thành lập với nguồn vốn ban đầu do ngân sách thành phố cấp là 5 tỷ đồng và được cấp bổ sung hàng năm. Sau 5 năm hoạt động (2002 - 2007), Quy chế quản lý và sử dụng quỹ có một số điều cần bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Các Sở, ngành đã xem xét, báo cáo UBND Thành phố bổ sung, sửa đổi Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông. Quy chế về quản lý và sử dụng quỹ Khuyến nông Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 142/2007 của UBND Thành phố đã bổ sung thêm đối tượng được vay vốn Quỹ Khuyến nông Thành phố là hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản, có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội, được vay vốn để mở rộng và phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến, hiệu quả thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô. Trong giai đoạn này, Quỹ Khuyến nông được triển khai trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, và một số quận ven đô còn sản xuất nông nghiệp. Khi mới thành lập, do nguồn vốn Quỹ Khuyến nông còn ít, hoạt động ban đầu của Quỹ được Sở Nông nghiệp & PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông trực tiếp triển khai, quản lý và báo cáo các Sở, ngành tiến độ thực hiện hàng tháng, quý, năm. Thực hiện nhiệm vụ do Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã từng bước kiện toàn bộ máy quản lý Quỹ Khuyến nông Thành phố.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, từ năm 2009, Quỹ Khuyến nông được triển khai trên địa bàn 18 huyện, thị xã và 8 quận còn sản xuất nông nghiệp. Để công tác triển khai hoạt động Quỹ Khuyến nông thuận lợi, đảm bảo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và tránh rủi ro. Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông đều xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết của Quỹ Khuyến nông, trình Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính Hà Nội phê duyệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quản lý vốn Quỹ Khuyến nông luôn được lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quan tâm. Ở mỗi Trạm Khuyến nông đều thành lập tiểu ban quỹ khuyến nông gồm 1 đồng chí trạm trưởng, 1 cán bộ chuyên quản quỹ khuyến nông và 1 cán bộ kỹ thuật.

 Ông Kiều Minh Khuê - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết, với vai trò là tiểu ban quản lý Quỹ khuyến nông, hàng năm, Trạm khuyến nông huyện đã rà soát, hỗ trợ, tư vấn cho các hộ gia đình, chủ trang trại tiếp cận với nguồn vốn Quỹ khuyến nông của thành phố; Thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, sử dụng vốn vay Quỹ khuyến nông của các hộ vay vốn trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong sản xuất, sử dụng vốn vay của các hộ. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở có các biện pháp đôn đốc, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Năm 2016 Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã được ngân sách Thành phố cấp kinh phí là 50 tỷ đồng để tạo nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung và mức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% phí quản lý (vay vốn Quỹ khuyến nông), thời hạn vay tối đa là 36 tháng, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Căn cứ vào nhu cầu vốn của các hộ do các Trạm Khuyến nông tổng hợp và đăng ký; căn cứ vào khả năng đáp ứng của nguồn vốn, Quỹ phân bổ kế hoạch giải ngân vốn cho từng địa bàn quận, huyện, thị xã. Hàng năm quỹ khuyến nông thành phố vẫn duy trì dành 15 - 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương. Kết quả trong 20 năm hoạt động (2002 - 2022), Quỹ khuyến nông thành phố đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là trên 925 tỷ đồng, trong đó: Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho trên 4.000 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là trên 796,6 tỷ đồng; Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển cơ giới hóa cho 321 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là trên 128,5 tỷ đồng. Quỹ Khuyến nông đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng trên 10.000  lao động nông thôn, góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tạo giá trị sản phẩm hàng hoá đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha canh tác/năm, những mô hình điểm đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm. 

Trải qua 20 năm, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào việc khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các mô hình khuyến nông thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng hoa, cây cảnh Tây Tựu, Đông Ngạc, Đại Mỗ (Từ Liêm), Đông La (Hoài Đức), Hồng Vân (Thường Tín); Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đông Anh, Sóc Sơn, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ; Vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Mỹ Đức, Chương Mỹ… Nhờ được hỗ trợ vốn từ Quỹ Khuyến nông Hà Nội, nhiều hộ nông dân, chủ trang trại trên địa bàn thành phố đã có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình.

Các phương án vay vốn Quỹ Khuyến nông đã tạo ra nhiều mô hình điểm thu hút đông đảo cán bộ Khuyến nông, nhân dân các vùng tới tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trong 20 năm qua, đã có nhiều đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh bạn như (Huế, Đà Nẵng, Thành phố HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Phước, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh…. ) đến thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về công tác triển khai, quản lý Quỹ Khuyến nông; trên 2.500 lượt nông dân tới tham quan các mô hình vay vốn đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hà Nội.

      Tiếp tục đồng hành hiệu quả

Để Quỹ Khuyến nông thành phố luôn được vận hành quản lý, sử dụng, bảo toàn hiệu quả, đúng mục đích cùng với với việc thành lập các Hội đồng thẩm định và Tiểu ban quản lý.  Hội đồng thẩm định cấp TP do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Giám đốc Quỹ Khuyến nông làm Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT và của Sở Tài chính Hà Nội. Cấp cơ sở có Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và Tiểu ban quản lý Quỹ Khuyến nông thuộc các quận, huyện, thị xã.

Trung tâm khuyến nông cũng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú đa dạng: Tổ thức tuyên truyền công tác triển khai, quản lý, sử dụng, bảo toàn Quỹ Khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và Hà Nội; trên các phương tiện truyền thông của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội như Bản tin, website,… Biên soạn và in ấn các tài liệu tuyên truyền phù hợp. Việc tuyên truyền nêu gương các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả cũng được Trung tâm Khuyến nông coi trọng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể của địa phương trong quá trình quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông, đảm bảo Quỹ được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương, không để xảy ra tình trạng thất thoát vốn.

Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu , huyện Quốc Oai cho rằng, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giúp người nông dân, chủ trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội… có thêm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ được vay vốn với mức phí quản lý thấp mà còn được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tư vấn chuyên môn, nhiều nông dân, chủ trang trại trên địa bàn xã Cấn Hữu đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Trong 20 năm triển khai hoạt động, Quỹ Khuyến nông cũng gặp khó khăn, thử thách. 3 năm (2015 - 2017) do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều ngành nghề có giai đoạn càng sản xuất càng bị thua lỗ, đặc biệt là ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, trong hai năm 2016 và 2017 giá bán thịt lợn xuống quá thấp, người chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn. Năm 2019 dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lan rộng đã làm sụt giảm nghiêm trọng số lượng đàn vật nuôi trong toàn Thành phố, làm thiếu hụt thực phẩm và tăng giá cả con giống. Trong giai đoạn 2020 - 2022 do dịch bệnh Covid 19 trên người bùng phát mạnh, thời gian giãn cách xã hội kéo dài dẫn tới sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được. Bên cạnh đó giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá nông sản không ổn định tác động đến hiệu quả sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn,… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lo ngại không dám tái đầu tư và tình hình sản xuất nông nghiệp của các hộ đang sử dụng vốn vay quỹ khuyến nông trên địa bàn toàn thành phố. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất nông nghiệp Quỹ khuyến nông đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay. Trong 3 năm (2020 - 2022) qua công tác kiểm tra Quỹ Khuyến nông đã trình và được Hội đồng thẩm định cấp Thành phố cho phép gia hạn thời gian trả vốn cho 40 trường hợp vay vốn đến hạn trả với tổng số tiền là 11,2 tỷ đồng gặp khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sau thời gian gia hạn trả nợ phần lớn các hộ đã hoàn trả vốn vay đúng quy định.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội là địa phương duy nhất trong toàn quốc có Quỹ Khuyến nông do ngân sách Thành phố cấp cho ngành nông nghiệp, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân và chủ trang trại phát triển và mở rộng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ nguồn vốn ban đầu do ngân sách thành phố cấp là 5 tỷ đồng và được cấp bổ sung hàng năm, đến hết ngày 31/12/2022 tổng nguồn vốn quỹ đã tăng lên trên 213 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân nông thôn. Đặc biệt, trong 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn quỹ đã khẳng định vai trò đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của thủ đô.

 Để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ khuyến nông, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách còn bất cập liên quan đến công tác quản lý Quỹ Khuyến nông để đề xuất với Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay vốn; Tiếp tục chỉ đạo Trạm Khuyến nông khảo sát, ưu tiên cho vay đối với các mô hình liên kết sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, các mô hình nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là tiến tới số hóa công tác quản lý bằng việc đầu tư xây dựng phầm mềm quản lý Quỹ khuyến nông. Song song với đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 10/2018 của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội. Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm cung ứng cho người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện mục tiêu xuyên suốt đó là tiếp tục nâng cao thu nhập cho người nông dân, lao động vùng ngoại thành Hà Nội./.

Nguyễn Vàn