Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quốc Oai: Thăm quan mô hình sản xuất mạ khay

Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai vừa phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức Hội nghị thăm quan mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy tại xã Đông Yên.



Tới dự có đại diện Trung tâm khuyến nông Hà Nội; đại diện phòng kinh tế huyện; Hội LHPN huyện; Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện; các đồng chí đại diện Ban thường vụ Hội LHPN, hội viên phụ nữ, khuyến nông viên các xã Sài Sơn, Phượng Cách, Thạch Thán, Ngọc Mỹ, Yên Sơn, Đồng Quang; đại diện Hội đồng quản trị HTXNN Việt Yên (xã Đông Yên), Liên Thôn (xã Tuyết Nghĩa), Cấn Thượng (xã Cấn Hữu), Liệp Tuyết cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đông Yên.

Trước khi vào hội nghị các đại biểu đã tới thăm quan mô hình sản xuất mạ khay tại HTXNN Việt Yên, xã Đông Yên. Đây là mô hình được Trung tâm khuyến nông Hà Nội Hỗ trợ 50% giống lúa và vật tư cho HTXNN Việt Yên cấy 30 ha lúa nếp Cô tiên gắn với tiêu thụ sản phẩm, thu mua thóc tươi tại ruộng cho bà con. Qua đánh giá cho thấy, mạ đã gieo đang sinh trưởng và phát triển tốt, lên đều, cứng cây, đanh rảnh, không bị sâu bệnh. Dự kiến ngày 05/7 sẽ bắt đầu đưa mạ xuống đồng để cấy máy.

Được biết, vụ mùa năm 2020 Trung tâm khuyến nông Thành phố Hà Nội, Trạm khuyến nông huyện triển khai mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy tại 02 cơ sở sản xuất mạ khay là HTXNN Liên Thôn xã Tuyết Nghĩa và HTXNN Việt Yên xã Đông Yên với quy mô 13.500 khay mạ để cấy cho 50 ha lúa Thiên ưu 8 và Nếp cô tiên. Mô hình nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân trong việc tiếp cận, áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy vào sản xuất lúa. Từ đó trở thành nơi tham quan, học tập cho người dân các vùng lân cận, là tiền đề để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, giúp giảm sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Trạm khuyến nông huyện đã giao đủ 100% số lượng giống, khay mạ, giá thể cho các đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn quy trình ngâm ủ, gieo mạ, cách chăm sóc mạ cho các HTX. Kết quả, mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy vụ mùa 2020 tại huyện Quốc Oai đã thực hiện đúng tiến độ và yêu cầu đề ra. Mạ được sản xuất qua các công đoạn: ngâm - ủ - gieo mạ - ủ hoạt hóa – chăm sóc mạ theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ nảy mầm đạt 98%; hiện tại toàn bộ diện tích mạ của 2 HTXNN đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện thì chi phí sản xuất mạ khay, cấy máy giảm được 5.820.000 đồng/ha, bằng 61% so với gieo mạ dược cấy tay. Hơn nữa, ruộng lúa cấy bằng máy còn giảm thiểu sâu bệnh gây hại, tăng năng suất so với cấy tay từ 10 – 15%. Gieo mạ khay chủ động khắc phục được ảnh hưởng của thời tiết, chủ động thời vụ, dễ chăm sóc và vận chuyển, chất lượng mạ tốt hơn, đồng đều hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng mạ khay để cấy máy còn giúp các HTXNN tiết kiệm được quỹ đất gieo mạ, đồng thời quy hoạch được vùng tập trung, gieo cấy cùng giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch bằng máy, đặc biệt thuận lợi cho việc bao tiêu sản phẩm thóc tươi tại ruộng.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Trạm khuyến nông huyện, Hội LHPN huyện, UBND xã Đông Yên mong muốn trong thời gian tới Trung tâm khuyến nông Hà Nội, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy trên địa bàn./.

Vương Long (Trung tâm VHTT &TT Quốc Oai)