Theo đó, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại đàn gà 3.300 con của hộ gia đình ông Lê Ngọc Thành (thôn Châu Me, xã Phổ Châu). Trong thời gian nuôi, đàn gà bỗng nhiên có các triệu chứng: Sốt, bỏ ăn, xù lông, xuất huyết ở chân, chết nhiều...
Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, Chi cục Thú y Vùng IV kết luận đàn gà bị bệnh cúm A/H5N1, do mới tiêm phòng nên chưa đủ thời gian tạo miễn dịch. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch như: Tiêu hủy toàn bộ số gà chết và đang mắc bệnh, khoanh vùng tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây....
Sở Nông nghiệp & PTNN chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phân bổ vaccine cúm gia cầm, phối hợp địa phương thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh và tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đặc biệt, rà soát, thống kê đàn gia cầm trên địa bàn, tổ chức tiêm phòng bao vây, khử trùng tiêu độc và tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật. Hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hữu hiệu, không để dịch lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe nhân dân.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, nguy cơ bệnh cúm A/H5N8, H5N1 xảy ra rất cao, vì thời tiết diễn biến phức tạp và người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng vaccine tạo điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và động vật thủy sản năm 2022 trên địa bàn, triển khai công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi; rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi của địa phương.
Tổ chức tiêm phòng bắt buộc các loại vaccine phòng các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi như: Bệnh dại, cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine. Đặc biệt, lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch./.
NB (Theo Báo KTĐT)