Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quản lý chặt chẽ, giảm thiểu sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Hà Nội có 157.050 ha đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích gieo trồng cây hàng năm cao nhất vùng với gần 300 nghìn ha và gần 20 nghìn ha cây ăn quả, cây chè. Năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng chính tương đương và cao hơn các tỉnh trong vùng. Năm 2016 diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 281.953 ha (lúa 197.149 ha, năng suất 56,28 tạ/ha, sản lượng 1109582 tấn; rau 32.290 ha, năng suất 207,5 tạ/ha, sản lượng 670.089 tấn,…); cây ăn quả 16.748,2 ha (chuối diện tích 3.267 ha, năng suất 266,2 tạ/ha, sản lượng 77.050 tấn; bưởi diện tích 3.806 ha, năng suất 149,9 tạ/ha, sản lượng 42.823 tấn,…); chè diện tích 3.355 ha, năng suất 77,7 tạ/ha, sản lượng 24.884 tấn,…



Hà Nội có 157.050 ha đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích gieo trồng cây hàng năm cao nhất vùng với gần 300 nghìn ha và gần 20 nghìn ha cây ăn quả, cây chè. Năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng chính tương đương và cao hơn các tỉnh trong vùng. Năm 2016 diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 281.953 ha (lúa 197.149 ha, năng suất 56,28 tạ/ha, sản lượng 1109582 tấn; rau 32.290 ha, năng suất 207,5 tạ/ha, sản lượng 670.089 tấn,…); cây ăn quả 16.748,2 ha (chuối diện tích 3.267 ha, năng suất 266,2 tạ/ha, sản lượng 77.050 tấn; bưởi diện tích 3.806 ha, năng suất 149,9 tạ/ha, sản lượng 42.823 tấn,…); chè diện tích 3.355 ha, năng suất 77,7 tạ/ha, sản lượng 24.884 tấn,…

Theo số liệu điều tra của chi cục BVTV, lượng thuốc BVTV sử dụng tại Hà Nội không nhiều, lượng thuốc BVTV qua các  năm 2014, 2015, 2016 sử dụng tương ứng là 251-287-316 tấn, chi phí khoảng 40-45 tỷ đồng (1,8-2 triệu USD) chỉ bằng 0,25-0,32% so với toàn quốc. Lượng thuốc BVTV sử dụng cho 01 ha sản xuất nông nghiệp từ 1,6-2 kg (trung bình toàn quốc 10 kg/ha, gấp 5-6 lần Hà Nội), hàng năm tiết kiệm khoảng 200 tỷ đồng (8,7 triệu USD). Có những huyện sử dụng rất ít thuốc BVTV, có tỷ lệ cao nông dân không sử dụng thuốc sâu bệnh thuộc huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có xã sử dụng rất ít thuốc BVTV (Đỗ Động, Đại Nghĩa, Hợp Tiến,…). So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 80% lượng thuốc BVTV, tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế, có nguy cơ cao đến ATTP, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, cụ thể như sau:

Về sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV: Trên địa bàn Thành phố có 95 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thuốc BVTV, trong đó có 03 xưởng sản xuất, gia công sang chai đóng gói, 35 doanh nghiệp có kho lưu chứa thuốc BVTV, cấp 92/95 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV cho doanh nghiệp; có 1.779 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp (giống, phân bón và thuốc BVTV), trong đó có 1.219 cửa hàng bán thuốc BVTV (chiếm 68%), cấp 641 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV cho cửa hàng, đại lý (chiếm 53%).

Về sử dụng thuốc BVTV: Lượng thuốc BVTV kinh doanh và sử dụng của các quận huyện thị xã năm 2014, 2015, 2016, có huyện rất thấp như: Mỹ Đức (1,7-3,9-3,5 tấn), Thanh Oai (1,7-1,1-2,9 tấn), Chương Mỹ (3,3-4,1-3,6 tấn),…có những huyện rất cao như: Mê Linh (55,5-81,6-94,6 tấn), Hoài Đức (39,4- 21,3-15,6 tấn), Đông Anh (29,9- 35,4-34,8 tấn), Từ Liêm (7,2-25,7-38 tấn), Ba Vì (23,3-22,9-22,2 tấn),…Chỉ tiêu biểu thị quan trọng và cụ thể nhất là lượng thuốc sử dụng cho 01 ha đất sản xuất nông nghiệp; lượng thuốc sử dụng của các quận huyện thị xã cũng có huyện rất thấp như: Thanh Oai (0,2-0,1-0,4 kg/ha), Mỹ Đức (0,2-0,4-0,4 kg/ha), Chương Mỹ (0,2-0,3-0,3 kg/ha), Ứng Hòa (0,9-0,4-0,3), Sơn Tây (0,4-0,4-0,4), Thạch Thất (0,6-0,7-0,5), Sóc Sơn (0,6-0,8-0,7 kg/ha), Thường Tín (0,6-0,9-1 kg/ha), Quốc Oai (0,9-1-0,7 kg/ha),…có những huyện rất cao như: Từ Liêm (2,8-9,8-14,6 kg/ha), Mê Linh (6,9-10,1-11,7 kg/ha), Hoài Đức (8,8-4,8-3,5 kg/ha), Đông Anh (3-3,6-3,5 kg/ha), Gia Lâm (1,8-3,6-4,1 kg/ha ), Đan Phượng (4,1-2,8-3,2 kg/ha),…

Theo số liệu điều tra của Chi cục BVTV, Hà Nội sử dụng ít phân bón, lượng phân bón sử dụng năm 2015 là 51.988 tấn, chi phí khoảng 13 triệu USD (346 kg/ha-chi phí khoảng 90 USD/ha): đạm 13.756 tấn (92 kg/ha), lân 16.800 tấn (112 kg/ha), ka li 11.840 tấn (79 kg/ha), NPK + phân khác 11.223 tấn (75 kg/ha); lượng phân bón sử dụng trung bình toàn quốc cao gấp 3,1 lần so với Hà Nội, so với toàn quốc, hàng năm Hà Nội tiết kiệm được khoảng 29 triệu USD (670 tỷ đồng). So với Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí khoảng 70% lượng phân bón, tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế, có nguy cơ cao đến sức khỏe của đất, sâu bệnh, ATTP, sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Mô hình tiêu biểu giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV như: Xã Đỗ Động (Thanh Oai) là địa phương thuần nông, thu nhập chính từ nông nghiệp, có 4 thôn, 1504 hộ, 02 cửa hành kinh doanh vật tư nông nghiệp chủ yếu bán phân bón, giống. Diện tích lúa 426,7 ha, cây ăn quả 12,1 ha, rau 3- 4,6 ha, vụ đông 10,5-11,8 ha. Năm 2015, 2016, 2017: vụ xuân cơ cấu chủ yếu giống lúa Bắc thơm (giá trị gần gấp rưỡi giống Khang Dân) tương ứng là 60-63-68%, vụ mùa tương ứng là 42-45-40%. Trạm BVTV Thanh Oai phối hợp với xã Đỗ Động tổ chức 8 lớp học đồng ruộng về IPM, SRI và 3 lớp tập huấn ngắn hạn cho 500 nông dân tham gia, cùng với 10 ha mô hình ứng dụng SRI. Năm 2015, 2016, 2017: diện tích ứng dụng Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) vụ xuân 295-340-390 ha (69-91%), ứng dụng toàn phần 28-30-32 ha (7%), số hộ hầu như không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh là 1354-1340-1350 hộ/1504  hộ (90%); vụ mùa ứng dụng từng phần 270-305-357 ha (63-84%), ứng dụng toàn phần 15-20-26 ha (5%), số hộ hầu như không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh là 1270-1363-1385 hộ/1504  hộ (84-90%). Hàng năm sử dụng khoảng 30 kg thuốc trừ phòng trừ sâu bệnh, tổ chức diệt chuột đồng loạt cuối tháng 3, tháng 7 (Thành phố, huyện hỗ trợ thuốc),  diện tích, mức độ hại do chuột, sâu bệnh thấp, sử dụng rất ít thuốc BVTV, lúa có năng suất khá, giá trị sản xuất cao.

Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP và nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc BVTV, nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ ở Hà Nội và toàn quốc cần các giải pháp chính sau:

 (1) Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng cho các tỉnh trên toàn quốc.

  (2) Có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới không sử dụng thuốc BVTV.

   (3) Qui định chặt chẽ về đăng ký thuốc BVTV.

   (4) Tổ chức BVTV đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã.

   (5) Qui định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP của cấp huyện, cấp xã.

 Để thực hiện được các giải pháp trên đề nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Dự án: “Tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp Việt Nam giai đoạn 2018-2028” với kinh phí khoảng 700 triệu USD (01 triệu USD/tỉnh/năm trong 10 năm) bằng nguồn vốn vay WB.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp&PTNT: ban hành Thông tư về đăng ký thuốc BVTV, trong đó cần quan tâm: cơ quan quản lý có trách nhiệm khảo nghiệm đối tượng phòng trừ, không đăng ký đặc cách, không hỗn hợp hoạt chất, tỷ lệ hoạt chất, không đăng ký đối tượng cho từng sản phẩm, qui định thời gian đánh giá lại để loại bỏ hoặc không đăng ký, qui định số lượng tối thiểu kinh doanh để loại bỏ hoặc không đăng ký, các thông tin về nguy cơ ảnh hưởng mãn tính, các thông tin về thời gian cách ly của các cây trồng. Bỏ thủ tục hành chính chứng nhận , xếp loại cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, điều kiện ATTP trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh, cụ thể là: bãi bỏ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT; bãi bỏ khoản 3.3, mục III, QCVN 01:132-2013; Điều 35, Điều 36 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT; Điều 21, Điểm b, Khoản 2, Điều 24 và Điểm a, Khoản 1, Điều 32 Nghị định 108/2017/NĐ-CP. Bổ sung các vi phạm về điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong Nghị định số 31/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung vi phạm về điều kiện buôn bán phân bón trong Nghị định số 163/2013/NĐ-CP.

Đề nghị UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng chợ đầu mối thực phẩm để quản lý toàn diện ATTP và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn./.

                                                                                                                                              Chi cục BVTV Hà Nội