Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phú Thọ: Phát triển nuôi cá tầm ở một xã miền núi

Thôn Xe Ngà, xã Mỹ Lương (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) là vùng núi nơi có điều kiện khí hậu, hệ sinh thái tự nhiên, môi trường và nguồn nước suối chảy từ khe núi có nhiệt độ tương đối thấp, rất thuận lợi cho việc nuôi các loài cá nước lạnh.



Những năm gần đây, một số hộ dân trong xã đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá tầm nước lạnh ở nơi khác có nguồn nước tương tự tại địa phương và đã tiên phong nuôi thử đem lại thành công bước đầu, cá nuôi thương phẩm tiêu thụ tốt.

Với các lợi thế tự nhiên thuận lợi cùng với những kết quả đã đạt được mang lại kinh tế từ nuôi cá tầm sử dụng nguồn nước tại địa phương, tháng 3/2022 các hộ dân đã tự nguyện thành lập Tổ hợp tác nuôi cá tầm để hỗ trợ cùng nhau sản xuất hiệu quả hơn. Năm 2023, tổ hợp tác nuôi cá tầm xã Mỹ Lương được chính quyền địa phương tạo điều kiện phát triển sản xuất và hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ thành lập HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây để tổ chức mở rộng sản xuất, mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Yên Lập.

Để mỗi giai đoạn nuôi cá được quản lý tốt, ngay từ con giống ban đầu về được nuôi dưỡng ở các bể nhựa một thời gian đầu để luyện cho cá khỏe, lớn thêm đạt kích thước an toàn trước khi chuyển ra các bể xây xi măng diện tích lớn nuôi cá thương phẩm. Ao nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống thông qua hệ thống ống dẫn nước nguồn từ trên khe núi về để nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi hòa tan cần thiết cho cá. Các tiến bộ kỹ thuật nuôi được áp dụng khoa học nên cá nuôi thương phẩm của HTX tỉ lệ sống sau thả giống đạt trên 90%.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây: “Nuôi cá tầm yêu cầu môi trường sống nước sạch và nước mát, do đó chúng tôi phải chọn những địa điểm nước đầu nguồn để lấy nước sạch và có nhiệt độ nước mát phù hợp để cho cá thích nghi sống và phát triển. Bên cạnh đó, khí hậu tại địa phương cũng khá thuận lợi cho cá tầm sinh trưởng bởi là vùng núi, có rừng, nền nhiệt độ mát mẻ hơn so với nơi khác. Kiến thức, kinh nghiệm chúng tôi được chia sẻ và học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới từ cơ quan chuyên môn và các mô hình nuôi hiệu quả ở tỉnh bạn được các thành viên HTX cập nhật thường xuyên nên chúng tôi cũng khá yên tâm trong quá trình nuôi.”

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, bản thân các thành viên HTX chủ động học hỏi các mô hình nuôi cá tầm hiệu quả ở nhiều nơi cùng với việc tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn chuyển giao đã giúp cho những bể nuôi cá tầm thương phẩm của HTX luôn gặt hái thành công. Với HTX Nông nghiệp suối ngà Đồng Mây năm nay có quy mô nuôi 04 bể xây, 04 bể bạt, dự kiến cho thu hoạch cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn cá tầm thương phẩm trong năm 2023, với giá bán hiện tại giao động từ 220.000 - 250.000 đồng/kg mang lại doanh thu gần 10 tỷ đồng trên năm cho HTX.

Việc nuôi thành công cá tầm của HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây, xã Mỹ Lương đã mở ra một hướng sản xuất hàng hóa mới dựa trên tiềm năng, lợi thế của xã miền núi có môi trường khí hậu và nguồn nước lạnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm giá trị cao phục vụ nhu cầu của xã hội. Hiện nay HTX đang tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tiến khu vực sản xuất để ương nuôi cá tầm giống và thử nghiệm 1 số giống thủy sản đặc sản khác như: ếch, rô đồng… nhằm tự chủ và chuyển giao con giống, tiến bộ kỹ thuật nuôi cho bà con trong vùng và các địa phương khác có nhu cầu./.

NT (Theo TTKNQG)