Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay lúa trà sớm đang trong giai đoạn chín sữa, trà trung trỗ bông, trà muộn đứng cái - làm đòng. Rầy lứa 6 đã bắt đầu nở rộ (đến ngày 29/8 diện tích nhiễm 251,7 ha; trong đó nhiễm nặng 4,2 ha); mật độ trung bình từ 300-500 con/m2, cao 1.500-2.500 con/m2, ổ >4.000 con/m2; tuổi 1, 2, 3; mật độ ổ trứng trung bình từ 300-500 ổ/ m2 cá biệt từ ngày 27/8 có mưa kéo dài đến ngày 31/8, một số diện tích có mật độ ổ trứng đến 1000 ổ/m2. Dự báo mật độ rầy trên các trà lúa sẽ tiếp tục gia tăng đến đầu tháng 9 và có thể gây cháy cục bộ trên trà mùa sớm và trà trung từ 05/09 trở đi nếu không được phòng trừ kịp thời. Để phòng trừ rầy nâu cuối vụ hiệu quả, bà con nông dân cần tiến hành một số biện pháp như sau:
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng:
- Bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện mật độ rầy nâu để có hướng phòng trừ kịp thời.
- Rầy nâu có đặc tính gây hại theo từng ổ (rầy có tập tính sống quần tụ) và thường tập trung ở giữa ruộng nhiều hơn. Do đó khi điều tra rầy hại lúa, bà con cần kiểm tra nhiều vị trí khác nhau tại ruộng, nhất là vị trí giữa ruộng.
- Trong quá trình kiểm tra bà con nên vạch gốc lúa để kiểm tra kỹ, nếu thấy xuất hiện mật dộ rầy nâu cao cần kịp thời báo cán bộ BVTV để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh việc sử dụng nhầm lẫn thuốc BVTV vừa gây lãng phí, làm cho rầy nâu dễ phát sinh thành dịch khó kiểm soát.
- Sử dụng thuốc khi cần thiết và chọn thuốc thích hợp:
- Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng cho thấy: Một số bà con nông dân do bón phân không cần đối, nhất là phân đạm, lạm dụng thuốc BVTV làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng làm cho rầy nâu cuối vụ có nguy cơ gây hại trên diện rộng, phát sinh thành dịch. Do đó với những diện tích lúa đã chín “đỏ đuôi” bị nhiều rầy chích hút, tốt nhất nên chọn biện pháp gặt “chạy rầy”, không nên phun thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa sau này.
- Rầy nâu có tính kháng thuốc rất cao, vì vậy muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, bà con cần phun thuốc khi thật cần thiết. Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt. Khi mật độ rầy khoảng 40 con/khóm, tương đương 2.000 con/m2 trở lên thì sử dụng thuốc đặc hiệu để phun trừ. Nếu mật độ cao trên 1 vạn con/m2 cần phun 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
Cách sử dụng thuốc trừ rầy hiệu quả:
* Đối với thuốc có tác dụng lưu dẫn, nội hấp: (không cần rẽ lúa)
Xử lý ở những diện tích lúa có bộ lá, cây còn xanh cần xử lý bằng các thuốc trừ rầy lưu dẫn, nội hấp như: Chess 50WG; Actara 25WG.
- Cách pha thuốc rầy Chess 50WG: Pha 1,5 gói cho 1 bình 16-18 lít nước thuốc đã pha cho 01 sào.
- Cách pha thuốc trừ rầy Actara 25WG: Pha 1,5 gói đến 2 gói cho 1 bình 16-18 lít nước thuốc đã pha cho 01 sào.
* Đối với thuốc tiếp xúc và vị độc: (cần phải rẽ lúa)
- Những diện tích lúa có bộ lá, cây đã chuyển màu vàng, cần phải rẽ lúa thành luống rộng từ 0,8-1m, phun trực tiếp vào phần thân và gốc cây lúa để trừ rầy bằng các thuốc tiếp xúc và vị độc như: Pennalty Gold 50EC; Bassa 50EC.
- Cách pha thuốc trừ rầy Pennalty Gold 50EC: Pha 15-20ml thuốc cho 1 bình 16-18 lít nước thuốc đã pha cho 01 sào.
- Cách pha thuốc trừ rầy Bassa 50E : Pha 30-50ml thuốc cho 1 bình 16-18 lít nước thuốc đã pha cho 01 sào.
- Lưu ý:
- Giai đoạn lúa chín sáp đến chín gốc lúa đã già, không có khả năng vận chuyển các chất từ ngọn đi xuống nên khi bị rầy gây hại, người phun phải vạch gốc lúa theo hàng và dùng vòi phun trực tiếp vào các gốc lúa có rầy mới cho hiệu quả. Trước khi phun nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy.
- Sau khi phun thuốc 3 - 5 ngày cần kiểm tra lại ruộng nếu mật độ rầy còn cao cần phải phun nhắc lại lần 2. Pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì để hạn chế sự lây lan của bệnh. Nếu phun khi bệnh đã lây lan nhanh, trên diện rộng sẽ rất khó phòng trừ./.
Nguyễn Thị Dung - Trần Quang Hào