Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phối hợp phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giữa Hà Nội và 24 tỉnh/thành phố phía Bắc

Khu vực miền Bắc có diện tích tự nhiên là 112.012,9 km2, dân số trên 37,8 triệu người, bao gồm 25 tỉnh, thành phố trong đó có Thủ đô Hà Nội. Với đặc điểm điều kiện tự nhiên đa dạng, gồm đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa nên điều kiện khí hậu trong khu vực cũng có những khác biệt rõ rệt. Do đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đa dạng đặc trưng theo từng vùng của khu vực. Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, năm 2023 giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi của khu vực Bắc Bộ ước đạt 5%, đóng góp khoảng 20% vào GDP nông nghiệp, trong đó đóng góp lớn nhất là đàn lợn.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo Cục Thú y và Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sau Ký kết hợp tác.

Hà Nội, hiện có tổng đàn trâu 29,3 nghìn con, đàn bò 127 nghìn con, đàn lợn 1,45 triệu con, đàn gia cầm 40,6 triệu con. Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, sản lượng thịt các loại của Hà Nội ước đạt trên 70 nghìn tấn, do đó, về cơ bản năng lực sản xuất đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, do nhu cầu thị hiếu đa dạng, chất lượng cao nên thị trường Hà Nội vẫn tiêu thụ 1 lượng lớn thực phẩm là đặc sản vùng miền và các sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời, Hà Nội cũng xuất ra lượng lớn con giống và các sản phẩm chế biến từ thịt đi các tỉnh thành trong khu vực Bắc Bộ và cả nước.

Kết quả thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm của 24 tỉnh/thành phía bắc đến Hà Nội năm 2023: (i) Động vật: 41.109.199 con; trong đó: Trâu, bò (giống 4.984 con, thương phẩm 10.811 con); lợn:  1,203,844 con (làm giống 553.258 con; thương phẩm 688.775 con), Gia cầm: 39.710.115 con (làm giống 17.333.733 con; thương phẩm 22.420.582 con), động vật khác: 179.445 con. (ii) Sản phẩm động vật làm thực phẩm 426,054,006 kg; trong đó: Thịt trâu, bò: 942.275 kg, thịt lợn: 11.828.887 kg, thịt gia cầm: 12.011.707 kg, sản phẩm động vật khác làm thực phẩm: 404.213.137 kg; trứng giống: 39.406.329 quả.

Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, với diện tích tự nhiên 3.328,9 km2, dân số khoảng gần 10 triệu người (bao gồm cả khách vãng lai), địa giới hành chính giáp với 08 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Phú Thọ và Hòa Bình) và có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng kết nối các tỉnh/thành cả về đường không, đường bộ và đường thủy. Với diện tích rộng, đặc điểm địa hình đa dạng, đầu mối giao thông quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi và lưu thông hàng hóa, nhưng đây cũng là điểm khó khăn cho hoạt động quản lý phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Vì vậy, Hà Nội luôn trú trọng công tác quản lý kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào thành phố nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ an toàn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Với mục tiêu: (i) Đảm bảo động vật, sản phẩm động vật được tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đáp ứng điều kiện về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; (ii) Nâng cao trách nhiệm của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi đưa ra thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (iii) Mở rộng thị trường tiêu thụ giống vật nuôi, động vật và sản phẩm động vật đảm bảo nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của các tỉnh, thành phố và thành phố Hà Nội.

Được sự nhất trí của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, vừa qua, tại Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y đã tổ chức hội nghị Ký kết hợp tác, phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật với 24 tỉnh/thành phố phía Bắc với các nội dung chính như sau:

  1. Hợp tác trao đổi thông tin nhằm nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật và nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ thú y;
  2. Trao đổi về các chính sách quản lý phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh vật nuôi, quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; các chính sách khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung; kinh nghiệm quản lý, xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không nằm trong quy hoạch và nâng cao năng lực hệ thống ngành thú y;
  3. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm giám sát tốt từ sản xuất, sơ chế đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ. Phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không đảm bảo an toàn thực phẩm;
  4. Tăng cường hợp tác, kết nối, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia các lĩnh vực phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Chú trọng phát triển giao thương các nguồn giống động vật có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm an toàn cung ứng cho thị trường Hà Nội.

             Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhất trí cao về việc Ký kết hợp tác, phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giữa các tỉnh/ thành phố phía Bắc./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục CN, TS và Thú y