Hiện nay, toàn tỉnh có 54 cơ sở nuôi cá tầm (25 trang trại của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX cá tầm Rô Men, HTX cá tầm Việt Đức) và 39 cơ sở quy mô hộ gia đình; có 04 trang trại nuôi cá tầm lồng bè trên hồ chứa của doanh nghiệp (Hồ Kala, hồ thủy điện Đồng Nai 4 (huyện Di Linh); hồ Đa Klông Thượng (huyện Bảo Lâm); hồ thủy điện Đa Khai (huyện Lạc Dương), tập trung tại các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và TP. Đà Lạt với diện tích khoảng 53 ha ao, bể (27.000m2) và khoảng 270 lồng (135.000m3) nuôi cá tầm, sản lượng cá tầm ước đạt khoảng 1.500 tấn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất giống và nhập khẩu trứng giống điểm mắt tự ấp nở và ương nuôi phục vụ cho kế hoạch sản xuất cá thịt thương phẩm của đơn vị và cung ứng giống cho các doanh nghiệp khác không có điều kiện về tự sản xuất giống, như: Công ty TNHH MTV Phi Hùng, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức và Cơ sở Huỳnh Ngọc Thu và 08 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm (Cơ sở Huỳnh Ngọc Thu, Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam, Công ty TNHH MTV Phi Hùng, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên, Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, Công ty TNHH cá tầm suối Đại Dương, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức, Công ty TNHH Đà Lạt Caviar), trong năm 2022, sản xuất khoảng 4,36 triệu con cá giống và cơ bản đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý và kỹ thuật để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cá nước lạnh và các doanh nghiệp chủ động trong việc nghiên cứu sản xuất con giống, kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về nguồn gốc tự nhiên để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh./.
Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng