Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển hiệu quả từ kinh tế nông thôn

Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho bà con nông dân, thời gian qua Hà Nội đã tập trung phát triển, hỗ trợ cho các khu vực làng nghề, Hợp tác xã… phát triển kinh tế, mở rộng mô hình, nâng cao giá trị sản xuất.



Trên địa bàn thành phố hiện có 1.467 Hợp tác xã nông nghiệp; trong đó 1.273 Hợp tác xã đang hoạt động, 194 Hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Các Hợp tác xã nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất của các hộ thành viên. Nhiều đơn vị đã tạo sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân. Đồng thời đã làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm về thời vụ, bố trí cây trồng hợp lý, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Đặc biệt chú trọng cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Đầu tư trang thiết bị máy móc công cụ làm dịch vụ sản xuất, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho Hợp tác xã. Điển hình có một số Hợp tác xã đã liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các Hợp tác xã nông nghiệp đã tổ chức trên 10 khâu dịch vụ như: Dịch vụ bảo vệ hoa màu, dự thính dự báo sâu bệnh, công tác khuyến nông, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, dịch vụ làm đất… Để phục vụ thành viên và nông dân, các Hợp tác xã xây dựng đơn giá dịch vụ đủ chi công quản lý và chi phí khác, được thông qua đại hội thành viên, nên giá dịch vụ thấp hơn so với thị trường, với mục tiêu mang lại lợi ích và hỗ trợ thành viên nhiều nhất, tạo điều kiện gắn người dân với đồng ruộng, hạn chế việc bỏ ruộng, đảm bảo diện tích gieo trồng, tạo sự gắn kết giữa thành viên với Hợp tác xã, thành viên tin tưởng vào sự điều hành của hội đồng quản trị Hợp tác xã.

Trong phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế trang trại cũng đóng góp không nhỏ trong nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế nông hộ. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.638 trang trại, trong đó có 32 trang trại trồng trọt, 1.256 trang trại chăn nuôi, 227 trang trại nuôi trồng thủy sản và 123 trang trại tổng hợp.

Kinh tế trang trại tiếp tục góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, bước đầu chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp cho thị trường số lượng nông sản lớn với các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú. Từ đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn. Thu nhập của các trang trại ngày một nâng cao nhờ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành đội ngũ đầu tàu trong nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo đột phá trong nhóm "kinh tế tư nhân", góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân cũng như thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Các trang trại đã quan tâm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Nhiều trang trại đã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, việc phát triển làng nghề cũng góp phần không nhỏ trong giải quyết công ăn việc làm, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống và mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông thôn.

Tính đến hết năm 2023, thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Sản phẩm may mặc, gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng…

Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.800 lao động; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức đều đạt trên 1.000 tỷ đồng…

Với những kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Hà Nội sẽ xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế...

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Hợp tác xã theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp đối với các hợp tác xã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động đảm bảo hiệu quả, đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, phát triển các dạng hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)