Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy thế mạnh đất trăm nghề, nâng cao đời sống nhân dân

Nhờ phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống nên Hà Nội đã khai thác được tiềm năng vốn có và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.



Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề thống.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã, một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc, gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè, ...).

Vào đầu năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đã thống nhất có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao, riêng Hà Nội có sản phẩm "Chăn bông tơ tằm tự dệt" của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức; "Gốm men Suối Ngọc" của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. Như vậy, hiện nay Thành phố đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao. Đây đều là các sản phẩm OCOP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt 5 sao và Hà Nội cũng là địa phương có số lượng sản phẩm 5 sao tốp đầu cả nước. Cụ thể các sản phẩm này gồm có: có 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; 1 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và 1 sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. Đây là những sản phẩm mang nét đặc thù riêng, với giá trị nghệ thuật và giá trị chất lượng cao làm nên thương hiệu riêng.

Theo nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, vào đầu năm 2010, khi ngồi quan sát con tằm làm tơ, đan kén, bà Thuận đã nảy ra ý tưởng để cho tằm tự dệt chăn tơ. Sau thời gian mày mò, nghiên cứu bà đã sản xuất thành công "bắt" tằm tự dệt nên những tấm chăn bền đẹp. Đây là một bước ngoặt và có nhiều dấu ấn cho ngành dệt tơ lụa của Thành phố cũng như cả nước, vừa giữ được nét đẹp truyền thống vừa có nét độc đáo, riêng biệt không nơi nào có được.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, với thế mạnh của vùng đất "trăm nghề" nên Thành phố có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên công tác phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Hầu hết, các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn như: Thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hoá, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, điều này đã và đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để khai thác hết thế mạnh và thúc đẩy làng nghề phát triển, Thành phố cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề, làng nghề nông thôn tại các địa phương trên toàn quốc xây dựng chuỗi liên kết ổn định từ tạo vùng nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành nghề trên địa bàn. Đồng thời, tạo sự gắn kết chặt chẽ để vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất cùng giúp đỡ nhau phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Qua đó góp phân tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ triển khai xây dựng tối thiểu một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP cấp thành phố theo đúng quy định. Phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Để triển khai và hoàn thành mục tiêu, UBND thành phố đã triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó căn cứ Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm được Trung ương ban hành; Hội đồng OCOP thành phố sẽ tiến hành rà soát hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng theo quy định; tổng hợp, trình UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP thành phố; trình Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối với những sản phẩm tiềm năng 5 sao./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)