Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông thôn mới Hà Nội tiếp tục là điểm sáng của cả nước

Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 04/CTr về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" (Chương trình). Qua 4 năm triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Không những nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch và bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch mà Chương trình còn đi vào chiều sâu, mang lại diện mạo nông thôn Hà Nội tươi đẹp hơn, căng tràn sức sống mới vừa văn minh, hiện đại vừa hài hòa với không gian, văn hóa làng quê Bắc bộ. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống và vai trò chủ thể của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.


Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 04/CTr của Thành ủy.

Hà Nội đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới với từng bước đi vững chắc, cụ thể và thiết thực, hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời xây dựng nông thôn Thủ đô trở thành miền quê đáng sống với các thiết chế văn hóa và hạ tầng phát triển.

Là thành phố có số xã nhiều nhất các tỉnh, thành trong cả nước song hết năm 2021, 382/382 xã của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (Hoàn thành mục tiêu Chương trình trước 4 năm). Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2021 -2023) 12 huyện còn lại trong Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến hết năm 2023, 18/18 (100%) số huyện, thị xã của Hà Nội đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình đề ra. Đến hết năm 2024, thành phố có 235/382 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 61,5%). Vượt 79 xã so với mục tiêu Chương trình đến năm 2025. Có 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 29,6%). Vượt 33 xã so với mục tiêu Chương trình đến năm 2025. Đến nay, Thành phố có 5 huyện là Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Oai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 1 - 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Như vậy, đến hết năm 2025, thành phố sẽ có 6 - 7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt mục tiêu Chương trình đề ra (Chương trình đề ra là 04 huyện).

Mặc dù nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu của Chương trình đề ra, song phong trào xây dựng NTM vẫn đang tiếp tục được lan tỏa, nhiều địa phương vẫn tiếp tục hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, được đánh giá là điểm sáng của cả nước. Đặc biệt là xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Bám sát mục tiêu đô thị xanh, Hà Nội đang xây dựng Nông thôn mới hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Trung ương, mang bản sắc riêng của Thủ đô. Hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ, 100% tuyến đường giao thông liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số thôn, làng có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; 86,3% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia từ mức độ 1 trở lên, tăng 9,3% so với năm 2020; có 95 % tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, tăng 78% so với năm 2020. Xây dựng NTM không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế… mà còn hài hòa với lưu giữ không gian, nếp sống làng quê, bảo tồn di sản nghìn năm văn hiến.

Thật tự hào khi diện mạo nông thôn ngoại thành Hà Nội hôm nay đã thực sự khởi sắc. Những con đường bích họa nhiều màu sắc nối dài khắp các ngõ xóm... Giữa khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố ngày càng thu hẹp khoảng cách về vật chất và tinh thần. Đa số hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Nền tảng văn hóa truyền thống của các vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 95,25%, tăng 4,25% so với năm 2020; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa là 95,5%, tăng 33,5% so với năm 2020; tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa năm 2024 là 93,8%, tăng 5,8% so với năm 2020; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,46%, tăng 2,46% so với năm 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,25%, tăng 2,75 so với năm 2020; tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 54%, tăng 3,5% so với năm 2020. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn được giữ vững.

Có thể nói, khi những chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào thực tiễn đã tạo động lực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Nhiều địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao, điển hình như huyện Thạch Thất đạt 96 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức, Đan Phượng đạt 86 triệu đồng/người/năm, Đông Anh: trên 85,8 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm: 83 đồng/người/năm,... Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố là 0% theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra

Bên cạnh đó, những Mô hình “thôn thông minh”, hướng tới “xã thông minh” là những khác biệt trong thực hiện Chương trình số 04 so với các giai đoạn trước. Vai trò “chủ thể” của người nông dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô được khẳng định vững chắc, đồng thời qua đó khu vực nông thôn dần trở thành “miền quê đáng sống”.

Trải qua nhiều thử thách càng khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung.

Những bước đi vững chắc, những thành quả đáng khích lệ đó có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng, dốc sức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 luôn chỉ đạo sát sao. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cũng được thành phố triển khai khẩn trương, bài bản.

Đáng chú ý, việc tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm kịp thời. Trong 4 năm qua, toàn thành phố đã huy động được hơn 86.800 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là hơn 4.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 800 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh nguồn lực của Thành phố, 12 quận thuộc Thành phố đã bố trí kinh phí hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền là 1.112 tỷ đồng. Trong đó, Quận Tây Hồ 340,8 tỷ đồng, quận Long Biên 328,7 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm 131,4 tỷ đồng, quận Hoàng Mai 55 tỷ đồng, Bắc Từ Liêm 58 tỷ đồng, Nam Từ Liêm 47,1 tỷ đồng...

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn phát triển mới, Thành phố sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp về cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu của Chương trình đó là “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” và sớm hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) trên mỗi cánh đồng, trong từng nhà xưởng, trong mỗi gia đình, ở mỗi làng quê…Hà Nội sẽ có một nền nông nghiệp đô thị xanh - an toàn - thân thiện và bền vững; một nông thôn hiện đại và thịnh vượng của văn hóa Tràng An và văn hóa xứ Đoài, với một tầng lớp nông dân mới, những ‘thanh nông tri điền’ văn minh, nông dân của thời chuyển đổi số. Hướng tới mục tiêu  xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn minh - Văn hiến - Hiện đại” để cùng đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”./.

Lưu Phượng