Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông sản Hải Phong: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Bắt đầu từ năm 2012, xuất phát là một trang trại trồng trọt chủ yếu là sản xuất Măng tây xanh, đến năm 2014 chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản.



          Do ban đầu sản xuất manh mún, kỹ thuật chăm sóc còn hạn chế, đầu ra lại không được bảo đảm nên việc phát triển của công ty còn gặp nhiều khó khăn. Khi đó công ty chủ yếu là sản xuất măng tây xanh và cà rốt theo hướng VietGAP để xuất cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2018, công ty được cấp giấy chứng nhận là vùng Sản xuất rau an toàn. Đến nay các sản phẩm rau quả, nông sản chế biến mang thương hiệu Hải Phong đã và đang giành được uy tín với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay Hải Phong đang tập trung vào một số loại rau củ tươi chủ yếu như: dưa leo baby, cà chua, măng tây, củ riềng, cà rốt, các loại rau ăn lá và định hướng sơ chế, chế biến các mặt hàng sấy, nước ép. Ngoài diện tích 5ha đất của công ty, Hải Phong còn liên kết với các tổ chức, cá nhân khác vào khoảng 50ha để có thể cung cấp các mặt hàng trái vụ ra thị trường. Với 13.000 m2 nhà màng, 7000 m2 nhà lưới, và diện tích bên ngoài, các mặt hàng công ty sản xuất ra toàn bộ được trồng theo đơn đặt hàng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và VietGAP.

          Để tăng hiệu quả kinh tế bằng cách giảm công lao động, công ty đã đưa các thiết bị như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun mưa, hệ thống tưới nhỏ giọt đặc biệt là trồng cây trên giá thể vào sản xuất. Từ khâu làm đất đến sơ chế vận chuyển đều theo quy trình khép kín. Đất được xử lý bằng chế phẩm sinh học, sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất sau thời gian phơi ải. Cây giống được ươm trong khay xốp để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao khi đưa ra trồng. Với cây dưa leo baby trồng trong nhà màng giúp giảm sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, hệ thống tưới nước và bón phân đều được được điều chỉnh thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt nên đều đạt chất lượng và năng suất cao, khoảng 4kg/cây/vụ. Cà chua chính vụ trồng trong nhà lưới qua đó ít bị ảnh hưởng của thời tiết và hạn chế được sâu bệnh hơn.

          Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Trâm- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong cho biết: Định hướng trong thời gian tới của công ty sẽ xây dựng thêm nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản. Nhưng quá trình mở rộng sản xuất của công ty đang gặp nhiều điều khó khăn, cản trở như việc thuê đất hiện nay, công ty chỉ ký hợp đồng thuê đất với UBND xã Minh Tân thời hạn là 5 năm . Do vậy công ty cũng mong muốn được chính quyền các cấp tạo điều kiện chuyển đổi sang đất thuê được lâu hơn để có thể ổn định và mở rộng sản xuất.

           Ở đây Hải Phong không đơn thuần là sản xuất để phát triển kinh tế trang trại, Hải Phong còn thắp lên hy vọng vào một nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, qua đó tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để có thể khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp công nghệ cao. Đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

          Nguyễn Công Cường - Trung tâm Khuyến nông và PTNN CNC Bắc Ninh