Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông dân xã Văn Bình ứng dụng hiệu quả sản xuất mạ khay, cấy máy

Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quyết định để tăng năng suất, chất lượng.



Xác định được tầm quan trọng của việc ứng dụng TBKT vào sản xuất, ông Phạm Văn Vĩnh - PGĐ HTXNN xã Văn Bình (huyện Thường Tín) đã tổ chức triển khai ứng dụng mô hình sản xuất mạ khay, cấy bằng máy vào sản xuất lúa góp phần giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Năm 2013, UBND xã Văn Bình đã thực hiện thành công chủ trương dồn điền đổi thửa, những mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún trước đây thay vào đó là những thửa ruộng rộng lớn, từ chỗ mỗi hộ 3-5 thửa ruộng nằm ở nhiều vùng khác nhau, thì đến nay sau khi dồn đổi tính bình quân chỉ còn 2 thửa/hộ và tổng diện tích trồng lúa trên toàn địa bàn xã là 706 mẫu. Đây là tiền đề giúp ông Phạm Văn Vĩnh mạnh dạn mua máy cấy Kubota SPV-6CMD theo chương trình vay hỗ trợ không lãi suất về  thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, gia đình ông Vĩnh đã có 2 chiếc máy gặt đập liên hợp, 3 chiếc máy cày, 1 dây chuyền sản xuất mạ khay và 1 máy cấy mạ khay để phục vụ việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại địa phương.

Để thực hiện thành công việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ông Vĩnh đã đến nhiều cơ sở để học tập kinh nghiệm trong sản xuất mạ khay và sử dụng máy cấy vào sản xuất lúa như: cơ sở sản xuất mạ khay tại Hà Nam, Trung tâm sản xuất mạ khay tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên…, và tìm hiểu thêm những cơ sở có tiếng qua các thông tin trên mạng để học hỏi kinh nghiệm.

Sau đó, ông đã lập kế hoạch đầu tư chi phí, đất đai, nhà xưởng, máy móc. Theo tính toán, chi phí ban đầu để đầu tư cho mô hình mạ khay, máy cấy hết khoảng gần 700 triệu đồng. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn, lợi nhuận thấp, việc thu hồi vốn chậm nhưng với hướng đi đúng đắn, trong 2 năm 2018-2019 được Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã, HTX NN đồng tình ủng hộ, bước đầu ông đã thu được nhiều thắng lợi. Vụ hè thu năm 2018, ông sản xuất mạ khay và cấy lúa bằng máy được 12 ha, thu lợi nhuận 24 triệu đồng/vụ. Vụ xuân 2019, ông tiếp tục sản xuất mạ khay và cấy máy được 15 ha với tổng doanh thu là 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông thu lãi 30 triệu đồng.

Theo ông Vĩnh, từ khi áp dụng phương pháp gieo mạ khay đã rút ngắn được thời gian từ 4 - 6 ngày so với phương pháp làm mạ thông thường; cây mạ gieo trong khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ gieo ngoài ruộng; khắc phục được những hạn chế khi phải làm mạ ngoài ruộng và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại hoặc nắng nóng đột ngột của vụ Xuân gây chết mạ; tránh được hiện tượng đứt rễ khi đem mạ ra cấy ngoài ruộng, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn so với cấy truyền thống.

Thực tế cũng cho thấy, nếu so với phương pháp truyền thống thì với mô hình gieo mạ bằng khay, mỗi sào giảm được 1/2 lượng giống, tiết kiệm 50-100 nghìn đồng công cày bừa làm đất; còn cấy bằng máy, một máy cấy với 4 người làm thành thạo cấy một sào chỉ mất 7phút, tính ra giảm được 25-30 công lao động/ha, chi phí cũng giảm khoảng 50 - 60 nghìn đồng/sào. Lợi nhuận bình quân của lúa cấy bằng máy cao hơn cấy lúa truyền thống 6-7 triệu đồng/ha. Qua đó góp phần tăng giá trị thu nhập cho nguời nông dân.

   

Ông Vĩnh chia sẻ: Các khâu, các bước trong sản xuất mạ khay, cấy máy đều khác so với sản xuất truyền thống nên khi triển khai mô hình này không ít cán bộ, nhân dân địa phương còn băn khoăn, e dè. Nhưng qua thực tế sản xuất năm 2018 đã chứng minh hiệu quả mô hình này mang lại và được bà con nông dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Sang vụ xuân 2019, gia đình ông đã đầu tư thêm máy cấy, khay nhựa mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu đăng ký của các hộ.

Có thể thấy rằng, việc ứng dụng mô hình mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của xã, "không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên đồng ruộng" ông Vĩnh chia sẻ thêm. Do vậy đây là mô hình có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất.

Từ hiệu quả mà mô hình mạ khay, cấy máy mang lại đã giúp cho nông dân trong xã thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, góp phần tạo sự liên kết trong sản xuất, là điều kiện để sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Từ đó sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân địa phương./.

Tạ Thị Hoa – Trạm khuyến nông Thường Tín