Những ngày này, cánh bãi ven sông Hồng, sông Đuống của các xã: Kim Sơn, Cổ Bi, Phú Thị, Trung Màu… những vườn chuối trải dài ngút tầm mắt, nhiều hộ nông dân ra ruộng chăm sóc cây trồng.
Tại xã Kim Sơn, nơi có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Gia Lâm với 180ha, tập trung cả ở vùng đồng và vùng bãi Đuống, nhiều vườn chuối đang mang buồng, người trồng sử dụng dây để buộc kéo cây này sang cây khác, tránh tình trạng buồng nặng, đổ cây.
Ông Bùi Hoàng Hưng ở thôn Giao Tự, xã Kim Sơn cho biết, gia đình trồng 2,5ha chuối khu vực bãi sông Đuống. Người Kim Sơn trồng chủ yếu là chuối tiêu hồng, vừa phục vụ thị trường trong nước vừa xuất khẩu. Đặc biệt, những năm gần đây, các hộ trồng chuối sản xuất theo quy trình VietGAP, có mã vạch, bước đầu được các siêu thị ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Đất Kim Sơn phù sa màu mỡ nên cây chuối lớn nhanh, quả mập, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều công chăm. “Chuối ra quả quanh năm nhưng các hộ dân thường tập trung nhiều hơn vào vụ Tết. Để chuối được thu quả đúng dịp, người Kim Sơn chọn thời điểm nuôi chồi từ khoảng tháng 2. Đến tháng 9, chuối bắt đầu ra hoa và quả. Sau 3 tháng nuôi buồng là có thể thu hoạch”, ông Hưng nói.
Cùng với Kim Sơn, Trung Màu cũng là xã có nhiều nông dân trồng chuối của huyện Gia Lâm. Vừa kiểm tra một buồng chuối, ông Nguyễn Xuân Vỹ, xã Trung Màu cho biết, gia đình trồng hơn 4.000m2 chuối. Những buồng chuối dự kiến thu hoạch vào dịp Tết được chăm sóc rất cẩn thận, bọc trong các bao ni lông. Ông Vỹ giải thích, việc bọc để bảo vệ buồng chuối khỏi nắng làm rám quả, gió hay các tàu lá va đập gây tổn thương quả và hạn chế sự xâm nhập của côn trùng, sâu bọ gây hại…
Theo các hộ trồng chuối ở Gia Lâm, nải chuối bày mâm ngũ quả ngày Tết muốn được giá cao thì phải là chuối tiêu hồng, quả xanh, đẹp… Để chăm được những buồng chuối có nải như vậy cần có kỹ thuật chăm bón cầu kỳ. Cây chuối phải được cung cấp đủ dinh dưỡng. Để mã quả đẹp, buồng chuối phải được bao nilon tránh sâu bệnh và yếu tố bất lợi của thời tiết. Nếu như bình thường một buồng chuối chỉ có giá hơn 100 nghìn đồng thì bán đúng dịp Tết có thể lên tới 500 nghìn đồng hoặc cao hơn.
"Xã có 88 ha đất bãi thì có 30 ha trồng cam Canh, 20 ha trồng chuối, số còn lại trồng các loại rau màu. Riêng với vùng trồng chuối, đạt giá trị khoảng 400 đến 500 triệu đồng/ha". Bà Đới Thị Lụt, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trung Màu cho biết.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga, vùng trồng chuối của một số xã đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & PTNT) cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, huyện Gia Lâm đầu tư các tổ nhóm PGS (bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ), nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Hiện, giao thông tuyến chính khu vực đồng và bãi đều đã được cứng hóa giúp nông dân thuận lợi hơn khi vận chuyển chuối ra thị trường”, bà Nga cho biết.
Tại Kim Sơn - xã có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Gia Lâm, ông Bùi Văn Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Ở Kim Sơn những ngày cận Tết, từng đoàn ô tô nối nhau về lấy hàng mang đi khắp nơi tiêu thụ. Lãnh đạo xã cũng đang nỗ lực tìm đầu ra cho liên kết chuỗi để nông dân yên tâm sản xuất. Mới đây, Hội Nông dân xã làm việc với các doanh nghiệp để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân và hằng năm tổ chức khoảng 10 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả cho cán bộ, hội viên nông dân./.
NT (Theo Báo HNM)