Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ninh Bình: Phát triển chuỗi sản xuất nông sản sạch

Khởi nghiệp và có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường với nhiều lĩnh vực như xây dựng, vận tải, sản xuất thức ăn chăn nuôi… Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, cách đây 3 năm, ông Trần Quốc Phong, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam quyết định lựa chọn một lĩnh vực hoàn toàn mới để thử nghiệm đó là nuôi trùn (giun) quế để hoàn thiện khép kín chuỗi sản xuất nông sản sạch. Đến nay, mặc dù nguồn thu từ mô hình này mới ở mức ban đầu, nhưng cũng đủ làm cháy bỏng thêm khát vọng sản xuất và đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng.



Theo nhiều người dân thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình từ ngày ông Phong nuôi trùn quế, phế thải trong chăn nuôi ở thôn đều trở nên… có giá, bởi ông Phong thu mua để nuôi trùn. Vừa có thêm chút thu nhập, lại vừa sạch sẽ cho môi trường, cảnh quan trong thôn, nên bà con ai cũng ủng hộ, nhiều nhà đã bắt đầu học và làm theo với mô hình nhỏ hơn.

Ông Phong kể, doanh nghiệp của ông ở thành phố Ninh Bình, khi mới bắt tay vào làm mô hình nuôi trùn quế, ông đã dành nhiều thời gian đi khảo sát ở một số vùng, cuối cùng ông quyết định chọn thôn Đá Hàn làm nơi đặt “đại bản doanh”. 

Bởi theo ông Phong, ở Đá Hàn có nhiều điều kiện thuận lợi, phù hợp để thực hiện mô hình nuôi trùn quế. Đưa chúng tôi ra thăm khu nuôi trùn quế, ông Phong lật nhẹ lớp phân ải bên trên để lộ ra những con trùn quế dài dài, nho nhỏ. Theo ông Phong, nuôi trùn quế chủ yếu để phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng trọt của chính trang trại. Việc nuôi trùn quế làm thức ăn cho chăn nuôi vừa tiết kiệm khoảng 40% chi phí thức ăn, mà gia súc, gia cầm lại lớn nhanh, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh. 

Cách nuôi này đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Trùn quế còn dùng để bón cây màu, bón ruộng đều rất tốt. Đất có độ tơi xốp, hạn chế được nhiều loại côn trùng gây hại. Trùn quế làm thức ăn cho vật nuôi trong trang trại, phân trùn quế thì được dùng để bón cho rau, cam, bưởi và cung cấp ra thị trường với giá 4 nghìn đồng/kg. 

Một điểm đặc biệt là thức ăn của trùn quế chủ yếu là phân trâu, bò, lợn, gà… nên khi nuôi trùn quế sẽ tận dụng được nguồn phế thải từ chăn nuôi vừa bảo vệ được môi trường sinh thái. Khi trùn quế ăn phân gia súc, gia cầm sau 30 phút sẽ hết mùi hôi. Ngoài ra, trùn quế còn tiết ra dịch chống ruồi nên chuồng trại nuôi trùn quế không hề có mùi hôi và không có ruồi bọ. 

Đặc biệt, các thức ăn chăn nuôi khi có chứa bột trùn quế sẽ không có mùi tanh, hấp dẫn vật nuôi lại bảo quản được lâu hơn. Phân trùn quế và mùn bã sau nuôi là một loại phân bón rất tốt, nhiều đạm và chất vi lượng, cây trồng dễ hấp thụ và góp phần cải tạo đất, trang trại dùng để trồng rau hoặc bán ra ngoài.

Ông Phong cho biết thêm: Trước khi bắt tay vào nuôi, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học tập và đã làm thử nghiệm cùng một số hộ ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau đó, nhận thấy đây là hướng đi đúng, đồng thời tôi vốn có niềm đam mê với sản xuất nông sản sạch, vì vậy năm 2015, tôi quyết định về quê để thực hiện mô hình nuôi trùn quế với hơn 4 nghìn m2 ở địa bàn thôn Đá Hàn, hơn 1 ha ở xã Phú Long (huyện Nho Quan). 

Ban đầu, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua 20 tấn trùn quế giống. Nuôi trùn quế không khó, cơ bản là phải đảm bảo được yếu tố độ ẩm, bóng tối và độ yên tĩnh. Đặc biệt, phải có sự theo dõi sát sao để phòng các loại côn trùng khác như cóc, chuột, rắn… tới ăn trùn. Do đặc tính của trùn thường sống trong môi trường ẩm thấp nên nước đóng vai trò quan trọng đến sự sinh trưởng, sinh sản và phát triển của trùn. 

Vì vậy, phải sử dụng nước sạch, không hóa chất, không tận dụng nước đã qua sử dụng. Xây chuồng trùn quế cao khoảng 20-30cm và phải có bạt che, vừa tránh các loại côn trùng ăn trùn vừa giữ được độ ẩm. Với cách nuôi như vậy, cứ 1m2 trùn quế sinh khối sau một tháng được 8kg trùn tinh. Vừa qua, ông Phong bán ra thị trường 3 tấn trùn thịt với giá 50 nghìn đồng/kg. 

Ngoài ra, ông còn bán trùn giống và phân trùn quế. “Khi bắt tay vào nuôi trùn quế, tôi bắt đầu nghĩ tới chuỗi sản xuất nông sản sạch khép kín. Nghĩa là nuôi trùn quế chỉ bán ra thị trường một phần, còn phần lớn dùng để phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt của chính gia đình mình”-ông Phong nói. 

Nghĩ là làm, ông Phong đầu tư nuôi gần 2 nghìn con gà thả vườn, thức ăn là trùn quế và cám ngô, hướng tới đưa loại thực phẩm sạch này ra thị trường vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ông Phong cũng đấu thầu hơn 7 ha ở Hòa Bình để trồng cam và bưởi đỏ, sắp tới, ông sẽ thực hiện nuôi lợn ở Phú Long... 

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi trùn quế của ông Trần Quốc Phong mới đang ở bước ban đầu, song khát khao tạo được một vòng tròn khép kín trong sản xuất nông sản để đưa tới tay người tiêu dùng những thực phẩm sạch, an toàn nhất chính là hướng đi bền vững và vô cùng có ý nghĩa. “Đây là mô hình đầu tư thấp, có thể mở rộng dần và rất thân thiện với môi trường. 

Vì vậy, tôi đang cố gắng từng ngày để khẳng định tính hiệu quả và ý nghĩa của mô hình nuôi trùn quế để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt với mong muốn sẽ được bà con nhân rộng, lan tỏa thành hướng đi của mỗi gia đình nhà nông. Nếu có nhiều hộ trồng trọt, chăn nuôi lớn, nhỏ đều sử dụng trùn quế làm nguồn thức ăn cho con nuôi, cây trồng thì người dân càng có thêm cơ hội được sử dụng nguồn thực phẩm sạch và chất lượng”- ông Phong chia sẻ thêm./.

TT (Nguồn Báo Ninh Bình)