Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhân rộng mô hình sử dụng các loài côn trùng thiên địch và các chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch hại cho cây trồng

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp có nhiều phát triển vượt bậc và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm cho năng suất và chất lượng tăng cao. Tuy nhiên, cũng có mặt trái của vấn đề, đặc biệt là việc sử dụng các loại hóa chất thuốc bảo vệ thực vật vào phòng trừ các loại dịch hại gây hại cây trồng.



Lượng hóa chất đưa vào liên tục với số lượng lớn trên đồng ruộng làm cho các loài sinh vật có ích dần giảm mật độ và bị tiêu diệt. Mặt khác, các loại dịch thường xuyên biến đổi gen để thích ứng, kháng lại với các loại hóa chất để tiếp tục gây hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vì thế nông dân phải thay đổi thuốc, hóa chất trừ dịch hại liên tục làm ảnh hướng tới sức khỏe, môi trường và chất lượng nông sản.

Hiện nay, để phòng trừ các loại dịch hại trên cây trồng đã có nhiều biện pháp. Tuy nhiên, biện pháp sinh học sử dụng các loại côn trùng thiên địch và các chế phẩm sinh học để phòng trừ các loại dịch hại đang là biện pháp đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái và là giải pháp bền vững trong phát triển nông nghiệp. Biện pháp này không phải là mới và có nhiều nông dân đã biết đến và áp dụng thành công. Với những nghiên cứu khoa học mới thì biện pháp này càng có nhiều kết quả khả quan. Sử dụng các chế phẩm sinh học mới, các loài côn trùng thiên địch từ tự nhiên vào khống chế sự phát sinh gây hại của các loại dịch hại cây trồng, đặc biệt là các loài côn trùng gây hại, nấm bệnh, và cỏ dại hiện nay có nhiều kết quả được áp dụng vào thực tế. Sử dụng chế phẩm sinh học và các loài côn trùng thiên địch không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, giúp cân bằng hệ sinh thái trong môi trường đất, môi trường sống xung quanh, không làm thoái hóa đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm do không để lại tồn dư hóa chất trong sản phẩm, giúp tăng khả năng đề kháng cho cây trồng.

Với những lợi ích khả quan của biện pháp sử dụng các chế phẩm sinh học và các loài thiên địch vào phòng trừ dịch hại cây trồng. Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai mô hình “Sử dụng côn trùng thiên địch phòng trừ sâu hại ớt ngọt trong nhà kính” tại huyện Đơn Dương với quy mô 0,2ha/01 hộ tham gia. Mô hình đã sử dụng các loại nhện có kích thước nhỏ để tiêu diệt nhện đỏ, bọ trĩ, ruồi nhuế; Sử dụng côn trùng ký sinh để ký sinh lên rệp, sâu ăn lá. Ngoài ra, còn hướng dẫn nông hộ sử dụng thêm các chế phẩm sinh học để khống chế các loài nấm bệnh, côn trùng gây hại trong đất. Kết quả mô hình đã kiểm soát được 80% các loài côn trùng và nấm bệnh gây hại, giảm chi phí sử dụng hóa chất, giảm công phun thuốc cho cây trồng, giúp tăng 10% lợi nhuận so với trước đây. Từ kết quả mô hình, đến nay đã có nhiều bà con nông dân trồng ớt ngọt trong tỉnh đến tham quan, học tập nhân rộng mô hình. Cụ thể tại huyện Lâm Hà có 01 hộ, Đức Trọng có 02 hộ, Đơn Dương có 02 hộ đã sử dụng côn trùng thiên địch vào trừ sâu hại ớt ngọt và hiện còn nhiều nông hộ có ý định sử dụng biện pháp này trong thời gian tới.

Hiện nay, biện pháp sinh học sử dụng chế phẩm sinh học, các loài côn trùng thiên địch đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại cây trồng như trừ rầy nâu trên lúa, sâu tơ trên cây rau họ thập tự… đã được rất nhiều nông dân tin và áp dụng. Các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong tỉnh hiện nay cũng có nhiều thử nghiệm sử dụng các loài côn trùng thiên địch, các chế phẩm sinh học trên một số cây trồng như cây dâu tây, cà chua, chè, cây ăn quả… cho kết quả tốt. Để biện pháp sinh học thực sự trở thành biện pháp chủ lực trong phòng trừ các loại dịch hại cây trồng, cần thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ hiệu quả của biện pháp đến tận vườn cho nông dân, cần sự đồng tình và cùng nhau thực hiện trên diện rộng. Có như thế trong thời gian tới biện pháp sinh học trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng sẽ thực sự trở thành biện pháp chủ lực giúp phát triển nông nghiệp bền vững./.

Nguyễn Thị Thùy - TTKN Lâm Đồng