Nhiễm ký sinh trùng là bệnh lý khi cơ thể người bị nhiễm các sinh vật ký sinh. Người bị nhiễm ký sinh trùng được gọi là vật chủ. Ký sinh trùng có thể sống ở bên ngoài hoặc bên trong cơ thể vật chủ. Chúng hút máu hoặc chất dinh dưỡng để sinh sôi, phát triển. Bệnh có thể diễn biến âm thầm trong nhiều năm và gây nhiều tổn thương ở cơ quan ký sinh trùng ký sinh như gan, thận, phổi, não… hoặc gây thiếu máu, suy dinh dưỡng… Các ký sinh trùng thường gặp ở người là các loại giun, sán, bọ chét, chấy, rận… Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng khá cao. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu và tập quán sinh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng như giun (giun đũa, giun lươn, giun kim…) và sán (sán lá gan, sán dây chó, sán lá phổi…) phát triển.
Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp khi nuôi thú cưng:
- Bệnh giun đũa chó (Toxocara canis), mèo (Toxocara cati)
Người là vật chủ ngẫu nhiên, do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín.
Người nuốt phải trứng giun toxocara, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di trú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt,... gây ra các tổn thương ở nội tạng.
Bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to, sốt, có các triệu chứng như ho, đau ngực, đau bụng, khó tiêu, tăng globulin máu, tăng bạch cầu ưa axít không thường xuyên. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80 - 90%.
- Bệnh nhiễm giun móc chó, mèo (Ancylostoma caninum, Ancylostoma braziliense)
Người bị nhiễm mầm bệnh thường do tiếp xúc với đất, cát ở ngoại cảnh của môi trường sống bị ô nhiễm phân chó, mèo có ấu trùng giai đoạn lây nhiễm được. Ấu trùng giun chui qua da, thường ở vùng da tay, da chân và di chuyển ở mô dưới da. Bệnh thường gặp ở những người làm vườn, trẻ em chơi nghịch đất cát,... Ấu trùng giun có thể tồn tại nhiều tuần, có khi kéo dài hàng tháng. Trong một số trường hợp, ấu trùng giun có khả năng thoát ra thành mạch máu, lên phổi gây hội chứng Loeffler.
- Bệnh nhiễm sán dải chó, mèo (Dipylidium caninum)
Sán trưởng thành sống trong ruột non của chó, mèo. Đốt sán già theo phân hoặc bò qua hậu môn ra ngoài. Trứng được phóng thích khi đốt sán co bóp hoặc khi đốt sán bị tiêu nát. Trứng được phát tán ra môi trường hoặc bám vào lông hay ở quanh hậu môn chó. Các loài bọ chét như Ctenocephalides canis, Ct. felis, Pulex irritans nuốt vào ruột, phôi 6 móc sẽ phát triển thành nang ấu trùng có đuôi (cysticercoid). Trẻ em tình cờ nuốt bọ chét, nang ấu trùng có đuôi trưởng thành ở ruột non trong vòng 20 ngày. Trẻ em bị bệnh thường không có triệu chứng hoặc rối loạn tiêu hóa nhẹ. Khi nhiễm nhiều sán, trẻ mệt mỏi, nhức đầu, đau thượng vị, ngứa hậu môn, tiêu chảy, dị ứng.
- Trùng bào tử (Toxoplasma gondii): mèo là ký chủ chính và vĩnh viễn
Người chỉ là ký chủ tình cờ của Toxoplasma gondii. Người bị nhiễm do nuốt phải trứng nang hoặc ăn phải nang giả có trong thịt chưa nấu chín, hoặc trong sữa, máu, nước tiểu của mèo bị nhiễm. Vào đến ruột của ký chủ, các thoa trùng trong trứng nang hoặc nang giả được phóng thích để đi ký sinh các tế bào thuộc hệ võng mô, não, cơ, trở thành những dạng hoạt động mới. Trong tế bào ký chủ, chúng tích cực sinh sản bằng cách phân đôi cho ra những thế hệ mới, làm tăng nhanh dân số, đi xâm chiếm tế bào mới, gây nên thể cấp tính. Giai đoạn này gây nguy hiểm cho thai nhi, nếu người mẹ bị nhiễm T. gondii.
Ở thể nhẹ, bệnh nhân có có các triệu chứng sốt, nổi hạch và mệt mỏi, bệnh tự khỏi không cần điều trị. Khi bị nhiễm với số lượng lớn, ký sinh trùng tăng sinh mạnh, gây tổn thương hoại tử khu trú, tiếp theo đó, ký sinh trùng phát tán theo đường máu gây thể bệnh lan tỏa. Tổn thương thường gặp ở não, mắt, cũng có thể ở phổi, tim. Viêm não thường nặng, cuối cùng bệnh nhân hôn mê và tử vong.
- Bệnh do vi nấm ngoài da
Hắc lào (tinea ciroinata): chó, mèo bị bệnh hắc lào trên da, lây sang người do tiếp xúc trong khi vuốt ve hoặc chải lông cho chó hoặc mèo. Biểu hiện là mẩn đỏ, ngứa, lan rộng dần ra xung quanh vùng trung tâm tạo nên hình vòng. Những vết thương gần nhau khi lan rộng sẽ hòa vào nhau thành hình đa vòng.
Nấm má (tinea barbae): thường vết thương ở một bên (phải hoặc trái), đôi khi ở cằm. Bệnh nhiễm do hôn hít thú nuôi trong nhà có vi nấm trên lông (T. mentagrophytes, M.canis ở chó, mèo).
- Bệnh do các loài ngoại ký sinh
Ve: gây hại cho người vì tạo nên vết thương chỗ ve cắn, gây liệt, truyền vi trùng, siêu vi trùng và rickettsia.
Bọ chét: là trung gian truyền bệnh dịch hạch. Cơ chế truyền bệnh của bọ chét là tụ máu có Pasteurella pestis trong khi đốt người.
Cách phòng tránh bệnh ký sinh trùng lây nhiễm do nuôi thú cưng:
- Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, giữ thói quen “ăn chín, uống sôi”, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em.
- Tắm rửa thường xuyên bằng các loại dầu tắm dành riêng cho thú nuôi để loại bỏ trứng giun, sán và các loài ngoại ký sinh ra khỏi lông.
- Tẩy giun cho chó, mèo định kỳ. Với chó mèo con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.
- Không nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc./.
Cấn Xuân Minh - Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y