Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người phụ nữ đơn thân với mô hình nuôi bò sữa khép kín

Trên con đường thảm nhựa bê tông chạy vòng quanh mấy ngọn đồi đi về phía Tây bắc thành phố Bảo Lộc, về với xã Đam B’ri nơi đây có ngọn thác hùng vĩ với cánh rừng nguyên sinh thơ mộng và trữ tình, là địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước; nhưng bên cạnh khu du lịch ấy vẫn có những người nông dân cần cù, nhẫn nại, một nắng hai sương, họ vượt lên chính mình để có cuộc sống no ấm.



Vào thăm trang trại bò sữa của chị Đinh Thị Thanh Trâm ở xóm 3, thôn 6, xã Đam B’ri  nằm cạnh chân đồi được phủ một màu xanh của cỏ voi, cỏ VA06, một trại bò rộng chừng 200m2 được lợp tôn và che lưới chống ruồi muỗi cho bò. Tôi gặp người phụ nữ có nước da ngăm đen, dáng vẻ nhanh nhẹn nở nụ cười đôn hậu mời tôi vào thăm chuồng trại và nơi sản xuất các sản phẩm từ sữa bò tươi của gia đình chị.

Chị Trâm cũng như bao người phụ nữ khác, sau khi tốt nghiệp phổ thông nghe theo tiếng gọi của Đảng chị rời quê hương Hà Tây cũ đi xây dựng vùng quê mới, vào đây làm công nhân trồng dâu nuôi tằm từ năm 1989, cuộc sống hạnh phúc gia đình anh chị với cô con gái kháu khỉnh dễ thương. Nhưng rồi sóng gió ập đến với gia đình nhỏ này, chị chấp nhận cuộc sống đơn thân để nuôi con gái trưởng thành; những năm đầu sống đơn thân, nuôi con nhỏ chị gặp muôn vàn khó khăn, một vài năm con gái đã lớn chị tằn tiện tích góp mua cặp bò ta để  nuôi sinh sản và nhân dần đàn bò phát triển chị đã có chút vốn kha khá, nhiều đêm nằm nghĩ làm gì để vươn lên cho cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng đôi lúc cũng tự ty, chị suy nghĩ những gia đình đủ cả vợ lẫn chồng mà làm việc gì lớn cũng còn gặp khó, huống hồ mình chỉ có một mình, làm sao mình có thể làm trang trại bò sữa được.

Sau một thời gian suy nghĩ, tháng 3 năm 2008 chị quyết định vay vốn ngân hàng và vốn tín chấp từ ngân hàng chính sách xã hội làm chuồng trại nuôi bò sữa. Ban đầu chị mua 3 con bò sữa giống HF gốc Hà Lan, lúc mới bắt tay vào chăn nuôi bò sữa chị chưa có kinh nghiệm nhiều, nên bò hay bị bệnh như đầy hơi, tụ huyết trùng, chị phải nhờ đến cán bộ thú y của Trung tâm Nông nghiệp thành phố. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho bò, chị mua thêm đất trồng hơn 1 ha cỏ voi, VA06 và cỏ xả, bảo đảm đủ 70% cỏ tươi cho bò, còn lại 30% là thức ăn đậu tương, bắp, cám ... đàn bò của chị phát triển tốt nhưng vì số lượng ít nên lờilãi thấp hoặc hòa vốn, thậm chí lỗ nhưng chị vẫn kiên trì chăn nuôi chăm sóc cho đàn bò, có khi chị còn phải lặn lội khắp các con ngõ hẻm để bán sữa cho bà con làm sữa chua. Sau hơn 10 năm gắn bó với con bò sữa, đến nay đàn bò của chị đã tăng lên 13 con, 5 con đang thời kỳ cho sữa, 3 con đã phối giống và 5 con chuẩn bị phối giống trị giá hàng trăm triệu đồng; mỗi ngày cho bình quân 60 lít sữa, chị chủ yếu bán sữa trực tiếp cho người tiêu dùng và số còn lại chị tự làm sữa chua để bán và bỏ mối.

            Đầu năm 2018, chị lại có thêm một quyết định táo bạo phải sản xuất hàng hoá, đem sản phẩm nông nghiệp tươi sống giàu dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Chị đã hướng cho con gái theo học chuyên ngành chế biến các sản phẩm từ sữa, tại trường Đại học Công nghệ thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh để khi học xong trở về cùng mẹ dệt nên những ước mơ này. Chị dùng tiền tích góp được và vay  thêm vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất theo quy trình khép kín: sản xuất nguyên liệu thô - chế biến và phân phối tới tay người tiêu dùng, chị mua 1 cái máy làm kem, 1 máy đóng gói sữa chua đều là những công nghệ mới có địa chỉ xuất xứ từ những nước có nền nông nghiệp phát triển như Hà Lan, Australia với giá gần 150 triệu đồng. Thế rồi sản phẩm sữa chua và kem sữa tươi mang tên “Ốc quế Thanh Thanh” ra đời, mỗi ngày chị cho ra 60 kg sữa chua và 20 kg kem các loại, sản phẩm của chị được bán ở huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.

Ngoài việc chăn nuôi bò sữa chị còn nuôi giun quế, dự kiến để làm thức ăn chăn nuôi và cho đàn cá dưới ao với diện tích chừng hơn 200m2. Với thu nhập bình quân như hiện nay trừ chi phí chị còn lãi trên 30 triệu đồng/tháng. Một người phụ nữ đơn thân, bằng ý chí và nghị lực chị đã phát triền nghề chăn nuôi và làm giàu, kinh tế gia đình ổn định, xây nhà cửa khang trang, con cái học hành tử tế, chất lượng cuộc sống được cải thiện và nâng lên. Với công việc hiện tại là đã quá với sức của chị rồi, nhưng với phong trào khởi nghiệp của phụ nữ hiện nay, chị muốn có 1 dự án lớn hơn để mở rộng cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa, nên chị rất cần sự quan tâm hỗ trợ của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, để bà con nông dân có cơ hội tiêu thụ được sản phẩm sữa tươi tại chỗ, giá thành sản phẩm hạ và phân phối tới tận tay người tiêu dùng, đồng thời người tiêu dùng cũng thực sự được sử dụng sản phẩm tươi, sạch, ngon và bổ dưỡng./.

Tạ Minh Đức - CCB Bảo Lộc