Hà Nội hiện có rất nhiều các làng nghề truyền thống trong đó có một số địa phương nguồn nguyên liệu chính để sản xuất là gỗ. Đứng trước những thay đổi từ chủ trương chính sách của nhà nước, của quốc tế cũng như nhận thức của xã hội buộc các làng nghề truyền thống này phải có sự thay đổi để thích nghi với điều kiện mới cũng như hòa nhập với môi trường kinh doanh quốc tế. Với vai trò của mình, lực lượng kiểm lâm Hà Nội đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản của nhà nước, các hiệp định đã được ký kết giữa nhà nước Việt Nam với các nước trên thế giới để người dân, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nắm được để thực hiện, cùng với đó lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác kiểm tra giám sát hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc khai báo nhập, xuất nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp.
Tuy nhiên, để vừa có thể phát triển làng nghề, vừa đảm bảo việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng là một bài toán khó. Hiện nay nguồn nguyên liệu sản xuất đồ gỗ tại Hà Nội chủ yếu là nhập từ nước ngoài và các địa phương khác trong nước do vậy việc chủ động nguyên liệu là một vấn đề nan giải cho các cá nhân, doanh nghiệp. Đứng trước những thách thức, khó khăn như vậy đòi hỏi các tập thể, cá nhân sản xuất ngành nghề gỗ phải có những thay đổi theo hướng hợp tác tạo mối liên kết chuỗi trong sản xuất đây đang là hướng đi mới tại một số địa phương cùng với đó phải có sự thay đổi về phương thức sản xuất, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn nguyên vật liệu.
Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, quy hoạch vùng trồng, tạo mối liên kết chuỗi trong sản xuất đang trở thành hướng đi mới tại các địa phương. Đặc biệt là liên kết giữa các làng nghề trong cả nước nhằm tạo đầu ra tốt cho vùng nguyên liệu cũng đang được hình thành. Đây là những bước đi cụ thể, cần thiết để tiếp tục khẳng định, làng nghề là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông thôn./.
Ngân Anh - Chi cục Kiểm lâm Hà Nội