Tại thôn Lập Phương (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên), gia đình chị Nguyễn Thanh Loan đã thành công với mô hình nuôi ếch trong lồng lưới kết hợp thả cá trê dưới ao. Ban đầu, chị Loan chỉ mua ếch từ các cơ sở về bán lại cho nhà hàng, chợ và các đám cưới. Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, chị quyết định học tập kỹ thuật và đầu tư vào nuôi ếch.
Với diện tích ao gần 1 mẫu, chị Loan thả nuôi 2.000 con ếch giống kết hợp nuôi cá trê dưới ao. Mô hình này tạo sự cộng sinh hoàn hảo: Cá trê tận dụng thức ăn dư thừa từ ếch, giúp giảm chi phí mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ sau 3 tháng, gia đình chị thu hoạch lứa ếch đầu tiên với tỷ lệ sống 75%, giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg, thu lãi 15.000 - 30.000 đồng/kg. Đến nay, chị Loan đã mở rộng quy mô lên 10.000 con ếch mỗi năm, thu về khoảng 18 - 20 tấn ếch thương phẩm. Để ứng phó với mùa đông, gia đình chị xây dựng nhà lưới rộng 200m² và duy trì thả nuôi cá trê dưới ao, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Nếu như gia đình chị Loan chọn mô hình nuôi ếch, thì hộ ông Trần Văn Huyền thôn Lập Phương (xã Khai Thái) lại thành công với mô hình nuôi ốc nhồi. Từng gặp khó khăn khi chăn nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả, ông Huyền quyết định chuyển hướng nuôi ốc nhồi từ năm 2022. Với diện tích ao 3 sào, ông thiết kế mái che để bảo vệ ốc khỏi nắng và rét. Nhờ áp dụng kỹ thuật, sau 4 tháng nuôi, ông đã xuất bán lứa ốc đầu tiên với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Mỗi năm, ông cung cấp khoảng 2 tấn ốc thương phẩm cho thị trường, thu lãi cao hơn hẳn so với các mô hình trước đây. Nuôi ốc không khó, chi phí thấp, thức ăn dễ kiếm…
Một điển hình khác là anh Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Đông (xã Hồng Minh), với mô hình nuôi dúi và chồn hương. Tận dụng kiến thức từ nghề nấu ăn, năm 2015, anh đầu tư xây dựng trang trại trên diện tích 5.000m², nuôi dúi và sau đó mở rộng sang chồn hương. Đến nay, anh đã phát triển được 6 cơ sở chăn nuôi tại các tỉnh, xuất bán vài tấn dúi, chồn hương mỗi năm. Một con chồn hương thương phẩm nặng 6-8kg, giá bán 15 - 16 triệu đồng/con, trừ chi phí, thu lãi hơn 10 triệu đồng/con.
Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nuôi các loài này không đòi hỏi diện tích lớn, chi phí thức ăn thấp, công chăm sóc nhẹ nhàng. Với sức đề kháng tốt, dúi và chồn hương ít bệnh tật, phù hợp với các hộ gia đình muốn khởi nghiệp. Hiện nay, dúi, chồn hương được các nhà hàng, khách sạn xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon và giàu đạm, các cơ sở chăn nuôi đều không đủ số lượng thương phẩm để cung cấp.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn nhất cho việc nuôi các loại động vật hoang dã là tiền đầu tư con giống. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm nên nuôi dúi, chồn hương ở trang trại của anh Tuấn Anh hay gặp bệnh về đường tiêu hóa, ngoài da và đặc biệt là việc sinh sản. Anh đã đầu tư thời gian, công sức học hỏi, nghiên cứu thêm tài liệu, sách báo hướng dẫn kỹ thuật nuôi chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật nhân giống nuôi sinh sản.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân đánh giá, mô hình nuôi con đặc sản đang ngày càng khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Phú Xuyên có lợi thế về đất đai từ vùng bãi ven sông đến các mô hình trang trại đa canh ở nhiều xã, rất phù hợp phát triển các mô hình nuôi con đặc sản như ếch, cá trê ta, hay các con đặc sản khác. Đây không chỉ là cách nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản của huyện trên thị trường.
Thời gian tới, địa phương, ngành Nông nghiệp, các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững cho mô hình nuôi con đặc sản, mang lại lợi ích lâu dài cho bà con và kinh tế địa phương. Phú Xuyên kỳ vọng mô hình này tiếp tục nhân rộng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hiệu quả./.
NT (Theo Báo HNM)