Skip Ribbon Commands
Skip to main content

5 điểm nhấn trong công tác Khuyến nông năm 2024

Năm 2024, công tác khuyến nông thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm của UBND Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp & PTNT, sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã. Cùng sự đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trung tâm, sự cố gắng, nỗ lực của bà con nông dân và các doanh nghiệp, hoạt động khuyến nông thành phố đã có sự đổi mới một cách mạnh mẽ, toàn diện, tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với tiến trình phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Thủ đô Hà Nội.



Điểm nhấn thứ nhất: Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Theo đó, Trung tâm đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng chữ ký số và các công cụ công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu công tác được trang bị tương đối đầy đủ và nâng cấp thường xuyên. Hiện 100% văn bản do Trung tâm phát hành (trừ văn bản mật) đều được ký điện tử và gửi dưới dạng điện tử.

Công tác chỉ đạo, quán triệt các phòng, đơn vị trực thuộc nghiêm túc nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Trung tâm cũng chú trọng rà soát tình hình thực tế tại cơ sở để điều chỉnh nội dung triển khai phù hợp với đặc thù từng địa phương. Đồng thời, chú trọng việc chọn điểm, chọn hộ đảm bảo các mô hình có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu thực tế và đáp ứng yêu cầu thị trường. Tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và tham quan đánh giá hiệu quả mô hình.

Điểm nhấn thứ hai: Tham mưu và chủ trì tổ chức thành công Festival sản phẩm Nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024.

Đây là sự kiện quan trọng thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 70 năm ngày thành lập Sở Canh nông (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: 30/11/1954 – 30/11/2024).

Với sự hỗ trợ, phối hợp và đồng hành của các quận, huyện, thị xã, các sở ngành, doanh nghiệp, Hội sinh vật cảnh thành phố, Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố bạn, Festival lần này đã có 319 đơn vị tham gia, trong đó: có 152 đơn vị của 25 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 125 đơn vị của 25 tỉnh, thành phố bạn và 42 đơn vị, doanh nghiệp trong nước và Quốc tế. Số lượng sản phẩm tham gia trưng bày với hơn 4.000 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Riêng khu trưng bày sinh vật cảnh đã trưng bày khoảng hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của gần 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Festival cũng đã giới thiệu tới du khách các địa điểm du lịch nông nghiệp sinh thái. Festival đã để lại nhiều ấn tượng, thu hút đông đông đảo nhân dân, du khách với tổng số hơn 60.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, mang lại doanh thu gần 30 tỷ đồng.

Sự kiện đã góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, các địa điểm du lịch tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới người tiêu dùng thủ đô cũng như du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng và là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê và các sản phẩm, sản vật truyền thống, góp phần tạo cầu nối giữa sản xuất và thương mại, giữa nông nghiệp và du lịch, giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố để cùng kết nối, hợp tác vì sự phát triển chung của ngành nông nghiệp cả nước, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Điểm nhấn thứ ba: Tuyên truyền mạnh mẽ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, Nghị quyết số 08/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp là một trong nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn; phát triển làng nghề,...của thành phố được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thực hiện quyết liệt. Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp nông dân Hà Nội kịp thời được thụ hưởng những chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố trong phát triển nông nghiệp. Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền về Nghị quyết số 08 được Trung tâm triển khai một cách mạnh mẽ. Trong năm qua, Trung tâm đã thực hiện 14 tin, phóng sự truyền hình, clip hướng dẫn về các nội dung liên quan đến chính sách và các hoạt động triển khai Nghị quyết; tổng hợp, biên tập, đăng tải 10 tin, bài viết lên trang web khuyennonghanoi.gov.vn; thực hiện 13 tin, bài viết tuyên truyền trên ấn phẩm Bản tin Sản xuất & Thị trường, Bản tin Nông nghiệp & Nông thôn Hà Nội. Các tin, bài còn được đăng tải trên trang Youtube, zalo OA của Trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm còn lồng ghép tuyên truyền về chính sách phát triển nông nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, Diễn đàn khuyến nông @ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và thành phố để thực hiện các chuyên đề, tin bài, phóng sự phục vụ phát sóng và đăng tải trên các trang báo in và báo điện tử.

Đặc biệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 08, Trung tâm đã tham mưu Sở tổ chức Hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024” tại huyện Phú Xuyên. Hội thi tạo ra không khí thi đua sôi nổi, hào hứng. Thông qua hội thi, nhằm vận động người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thúc đẩy cơ giới hoá trong gieo cấy nói riêng, góp phần tuyên truyền đưa chính sách vào thực tiễn và tạo động lực để cho bà con nông dân hăng say lao động, tham gia sản xuất.

Hoạt động thông tin tuyên truyền không chỉ giúp bà con nông dân hiểu rõ hơn về chính sách được thụ hưởng mà khi chính sách được đưa vào thực tiễn sẽ từng bước chuyển đổi tư duy, nhận thức của nông dân từ sản xuất nông nghiệp, sang kinh tế nông nghiệp; khuyến khích nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, hợp tác liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc kịp thời cập nhật thông tin và phản ánh quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở giúp cho Sở Nông nghiệp và PTNT vừa nắm bắt tình hình triển khai của địa phương vừa kịp thời tư vấn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng thông qua tuyên truyền đã ghi nhận nhiều đơn vị, địa phương làm tốt công tác triển khai các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp vào thực tiễn. Từ đó, nhân rộng các gương điển hình, tiên tiến.

Điểm nhấn thứ 4: Phát huy cao tinh thần “Ở đâu có nông dân, ở đó có Khuyến nông”.

Năm 2024, Cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của Nhân dân và nhà nước đối với 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có thành phố Hà Nội. 23.000 ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; trên 15.000 ha lúa bị ngập; trên 13.000 ha rau màu bị ngập, ảnh hưởng; trên 9.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; trên 4.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng; trên 3.000 con gia súc bị chết; trên 600.000 con gia cầm bị chết, thất lạc… Đó là những con số thiệt hại vô cùng lớn đối với ngành nông nghiệp của chúng ta. Nêu cao tinh thần “Ở đâu có nông dân, ở đó có Khuyến nông”, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm đã thành lập các tổ công tác để phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các quận, huyện, thị xã. Trung tâm đã in ấn 18.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản,... và phối hợp với phòng kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và thị xã Sơn Tây cấp phát tận tay hộ sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm đã xây dựng các video clip hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để đăng tải trên Đài PT-TH Hà Nội, Website, Zalo OA, kênh Youtube của Trung tâm. Đồng thời, cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con nông dân các điều kiện, thủ tục vay vốn quỹ Khuyến nông một cách nhanh nhất để bà con nông dân kịp thời có nguồn vốn để khôi phục sản xuất.

Ngoài ra, Trung tâm còn phồi hợp với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech, Công ty TNHH sản xuất thương mại Ngọc Kỳ và một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ hạt giống rau, vật tư phân bón và chế phẩm sinh học xử lý môi trường cho các hộ nông dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại 4 huyện: Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai và Đan Phượng. Tổng số lượng giống và vật tư hỗ trợ bao gồm: 8 tấn phân hữu cơ sinh học; 1.300 gói (loại 200g) chế phẩm vi sinh xử lý ruộng đất và chuồng nuôi; 72 lít hóa chất xử lý môi trường và 123,2 kg hạt giống rau các loại.

Đặc biệt, để nhanh chóng khôi phục sản xuất và đảm bảo sinh kế cho nông dân. Trung tâm đã kịp thời tham mưu Sở điều chỉnh bổ sung 2 mô hình khuyến nông hỗ trợ sản xuất sau bão lũ, đó là: Mô hình sản xuất khoai tây giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (30 ha) và Mô hình sản xuất ngô sinh khối thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường (20 ha). Trung tâm đã lựa chọn khoai tây và ngô là cây ngắn ngày, thích ứng tốt, đảm bảo thời vụ và mang lại giá trị kinh tế cao, là lựa chọn phù hợp cho việc tái sử dụng đất sau bão lũ. Việc cung cấp giống kịp thời, cùng hỗ trợ kỹ thuật đã giúp người dân tái sản xuất một cách nhanh chóng.

Điểm nhấn thứ 5: Thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ và tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Với vai trò là cầu nối chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Trung tâm khuyến nông Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Nhằm mục tiêu hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, đem lại hiệu quả bền vững và lâu dài cho bà con nông dân trên địa bàn Thành phố, các mô hình khuyến nông ngày càng được triển khai đa dạng, thích ứng với biến đổi khí hậu, cho hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và xã hội.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức thực hiện 20 dạng mô hình tại 82 điểm trên địa bàn thành phố với 1.502 hộ tham gia.

Đối với lĩnh vực trồng trọt

Trung tâm đã triển khai 12 dạng mô hình thuộc 4 nhóm mô hình khuyến khích phát triển, gồm: mô hình phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường; mô hình phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Các mô hình khuyến nông trồng trọt cơ bản cho kết quả tốt, đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đề ra, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi

Trong năm vừa qua, Trung tâm đã triển khai 4 mô hình thuộc 3 nhóm khuyến khích nhân rộng, gồm nhóm mô hình phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm; nhóm mô hình phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu và nhóm chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động đến môi trường. Các mô hình được bà con đón nhận và đánh giá cao. Các mô hình chăn nuôi bền vững ứng dụng khoa học kỹ thuật được khuyến khích hỗ trợ nhân rộng đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trong việc sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, bước đầu tạo cơ sở để xây dựng các vùng nuôi bền vững, có truy xuất nguồn gốc.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Trung tâm đã đẩy mạnh các giải pháp như tích cực đưa các giống mới, công nghệ mới vào nuôi trồng, quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học đã tạo ra sản phẩm thủy sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Để khuyến khích người chăn nuôi đổi mới cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực thuỷ sản đã được triển khai một cách có hiệu quả. Năm 2024, Trung tâm đã triển khai 4 mô hình nuôi thuỷ sản theo 3 nhóm khuyến khích nhân rộng. Các mô hình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGAP; mô hình nuôi kết hợp cá – lúa; hay mô hình nuôi thuỷ đặc sản, nuôi cá lồng,…đã đạt được kết quả theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra. Trong đó, việc chú trọng lựa chọn các giống thuỷ đặc sản để đưa vào mô hình cũng như là lựa chọn các hình thức nuôi mới không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, xây dựng cảnh quan khu vực nông thôn, vừa góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho nuôi trồng thủy sản của Thành phố.

Xác định, lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân trên địa bàn Thủ đô mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Quỹ Khuyến nông thành phố tiếp tục đóng vai trò cầu nối kiến tạo và phát triển các mô hình sản xuất, cơ giới hóa cho hiệu quả cao. Năm 2024, Quỹ khuyến nông đã đồng hành cùng người nông dân, giải ngân 67 phương án với tổng số tiền 26,840 tỷ đồng. Nguồn Quỹ Khuyến nông không chỉ đáp ứng nhu cầu vay vốn mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Có thể nói, các mô hình, chương trình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực; hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với các tiêu chí của đô thị theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thân thiện và bền vững với môi trường; không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững.

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn ngành nông nghiệp Thủ đô, trong đó có công tác khuyến nông. Vì thế, 5 điểm nhấn quan trọng trong công tác Khuyến nông năm 2024 cho thấy những nỗ lực đáng được ghi nhận của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhằm khẳng định vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trong giai đoạn mới. Tin tưởng rằng, năm 2025 và những năm tiếp theo, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Trung tâm vẫn sẽ tự tin, vững bước, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh “Ở đâu có nông dân ở đó có khuyến nông”./.      

Lưu Phượng