Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nam Định: Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ba ba

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, đầu những năm 2000, nhiều hộ dân xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trong đó nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Gia đình ông Trần Văn Cương ở xóm 4, xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là hộ gia đình có thâm niên trong phát triển mô hình nuôi ba ba thương phẩm tại địa phương. Ông Cương cho biết, khi chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao, gia đình định thả cá nhưng do mô hình đã có nhiều hộ áp dụng và đầu ra sản phẩm không bảo đảm, ông đã đi tìm hiểu các mô hình tại địa phương và các vùng lân cận. Qua nhiều lần tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi thủy sản, ông tâm đắc nhất mô hình nuôi ba ba thương phẩm vì thấy phù hợp với điều kiện của gia đình và dễ tìm được đầu ra cho sản phẩm. Trong nhà hàng của các thành phố lớn, ba ba là một món ăn đặc sản, được nhiều người ưa chuộng. Trong hai năm 2007 và 2008, ông Cương đã đầu tư xây dựng 2 sào ao mặt nước nuôi ba ba. Khu ao nuôi ba ba của ông còn xây dựng hệ thống các chuồng nhỏ để thuận tiện trong việc phân loại ba ba theo giới tính, độ tuổi và khu vực cho ba ba đẻ trứng. Xung quanh ao, ông xây tường bao để tránh trường hợp ba ba có thể bò ra ngoài, trên mặt ao ông thả bèo tây với mục đích làm mát về mùa hè và giữ ấm về mùa đông. Toàn bộ ao nuôi của gia đình ông đều có hệ thống dẫn và thoát nước nhằm lưu thông và không để nguồn nước bị ô nhiễm dễ lây bệnh cho ba ba. Khi đã hoàn thành hệ thống chuồng trại, bước đầu ông thả ba ba đỏ Sông Hồng. Do chưa có kinh nghiệm chọn con giống và kỹ thuật chăn nuôi nên những lứa đầu ông đã thất bại. Được người dân địa phương giới thiệu giống ba ba miền Nam có nhiều ưu việt, không chần chừ, ông đã tìm tòi học hỏi và quyết định nuôi thả trên diện tích ao nuôi của gia đình. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, ông Cương không chỉ nuôi thả thành công ba ba thịt mà còn sản xuất được cả ba ba giống miền Nam để cung ứng cho thị trường vùng biển. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thời gian bắt đầu thả giống ba ba thường vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch, không thả con giống vào mùa đông vì thời tiết lạnh sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Bên cạnh đó, công việc cho ba ba ăn cũng phải đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, bởi ba ba chủ yếu ăn vào mùa hè, buổi sáng mát và chiều tối, mùa đông hầu như ba ba không ăn. Thức ăn cho ba ba được xay nhỏ từ các loại cá tạp với ngô, cứ 10kg cá pha với 5 lạng bột ngô xay nhuyễn cho dẻo rồi mới đem ra ao cho ba ba ăn. Ngoài ra, việc thay nước cho ba ba được xem là khâu quan trọng, khi ba ba dưới 4 tháng tuổi thay nước 10 ngày/lần, chỉ cần thay 50% lượng nước trong ao nuôi, trên 4 tháng tuổi thay nước 1 tháng/lần, mực nước dao động từ 0,6-1,2m. Do lượng nước thường xuyên bị ô nhiễm từ thức ăn thừa gây ra và ba ba hay mắc các bệnh như nấm thủy mi, bệnh sưng cổ, loét da vì vậy ông Cương thường rải vôi bột xuống hồ. Khi ba ba bị bệnh ông thường dùng thuốc kháng sinh, dung dịch đặc trị bệnh bằng cách tắm hoặc cho ăn trực tiếp. Khi nuôi ba ba, ông Cương thường nuôi gối vụ, khoảng 3-4 đợt/năm để dễ chăm sóc và thường xuyên có ba ba xuất bán. Khi mùa đông đến cũng là lúc trọng lượng ba ba đạt trung bình mỗi con 1,3kg là gia đình ông bắt đầu thu hoạch, mỗi lần thu hoạch được 5-6 tạ ba ba thịt với giá bán bình quân đạt 250 nghìn đồng/kg đem lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu: Hà Nội, Bắc Giang và các tỉnh lân cận…

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ba ba, ông Cương cho biết: Ba ba rất dễ nuôi, quan trọng là mình phải cần cù chịu khó, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cho ăn đúng, đủ chất và giữ môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm, như vậy sẽ đạt kết quả cao trong chăn nuôi… Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Cương luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân trong thôn, xóm để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, thúc đẩy nghề nuôi thủy sản của xã Giao Lạc phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân./.

TT (Nguồn Báo Nam Định)