Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mỹ Đức dồn lực khôi phục sản xuất nông nghiệp

Bão lũ, ngập lụt những ngày vừa qua đã gây ảnh hưởng hơn 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Mỹ Đức. Để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, huyện Mỹ Đức dồn lực hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.



Dù lũ sông đã rút, nhiều khu dân cư thoát ngập lụt nhưng nhiều vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của các xã: An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến... của huyện Mỹ Đức hiện vẫn trắng nước, khó phân biệt đâu là diện tích trồng lúa, đâu là ao nuôi trồng thủy sản.

Thẫn thờ nhìn hơn 3 sào lúa thối nhũn trong nước, ông Nguyễn Văn Bịch ở thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh) cho biết, lũ đổ về quá nhanh. Nhiều gia đình dù được bộ đội hỗ trợ gặt lúa nhưng cũng không kịp mang thóc về nhà.

"Tiếc của, nhiều gia đình mang thuyền đi vớt lúa. Nhưng vì nước sâu quá đầu người trong gần 10 ngày nên đành ngậm ngùi đi về tay trắng...”, ông Nguyễn Văn Bịch chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Hoàng Văn Hai, xã đã huy động lực lượng hỗ trợ nông dân nhưng lũ lên quá nhanh nên chỉ kịp thu hoạch 18,4 ha lúa mùa. Gần 28 ha lúa còn lại của thôn Phú Hiền và 30 ha của thôn Vài Mới bị mất trắng do nước ngập quá sâu, ngâm nước trong nhiều ngày, không thể khắc phục. Ngoài lúa, xã Hợp Thanh còn mất trắng gần 147 ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại 3,2 ha cây ăn quả...

Không còn trắng nước, nhiều cánh đồng thuộc các xã: Phúc Lâm, Mỹ Thành, Bột Xuyên, An Mỹ... xanh rì lúa non dưới những gốc rạ. Bà Đàm Thị Minh, nông dân thôn Thượng (xã Phúc Lâm) nói: “Vụ mùa năm nay lúa tốt lắm, phải được 2,5 tạ/sào. Bão về làm đổ, để lại ruộng hơn 70% số hạt, mọc dày hơn những ruộng mạ...”.

Thống kê từ 23 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức cho thấy, bão lũ, ngập lụt những ngày vừa qua đã làm 1.943 ha lúa mùa bị đổ, giảm năng suất; 870 ha lúa bị ngập gần như mất trắng; 410 ha rau màu bị dập nát. Bên cạnh đó, bão lũ, ngập lụt còn làm 42 gia súc và 11.500 gia cầm bị chết, thất lạc do sập chuồng; hơn 840 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 7 lồng nuôi ếch bị trôi, 114 chuồng trại chăn nuôi với tổng diện tích khoảng 7.300m2 bị đổ sập, tốc mái, nước lũ tràn vào; 3 nhà màng trồng rau hữu cơ bị tốc mái...

Không những vậy, bão lũ, ngập lụt còn làm hư hỏng 25.300 cây ăn quả, hơn 98ha cây hằng năm (chuối, đu đủ…), 12.212 cây bóng mát, cây lấy gỗ; 23,15km đê sông bị tràn, sụt sạt, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng...

Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lâm Cao Văn Hồng cho biết, để bù đắp giá trị trồng trọt bị thiệt hại do bão lũ, ngập lụt, xã vận động nông dân trồng 120ha cây vụ đông, trọng điểm là ngô nếp, khoai tây, rau ăn lá...

Tương tự, 21 xã, thị trấn còn lại đã vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị làm đất, giống, phân bón để gieo trồng hơn 1.097 ha rau màu vụ đông, trong đó có gần 299 ha rau các loại, 125 ha ngô nếp, 116 ha khoai tây, 103 ha bí đỏ... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Mỹ Đức hiện nay là nhiều nông dân đã cạn vốn, giá vật tư cao...

“Nông dân xã Bột Xuyên có truyền thống trồng khoai tây. Để trồng 1 sào, nông dân cần tối thiểu 2 triệu đồng để mua 60kg khoai tây giống, chi phí làm đất, phân bón. Nông dân chúng tôi rất cần Nhà nước hỗ trợ để khôi phục sản xuất...”, bà Nguyễn Thị Huyền, nông dân xã Bột Xuyên và nhiều người dân huyện Mỹ Đức kiến nghị.

Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trần Minh Cường cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, triển khai phương án hỗ trợ nông dân theo quy định của Chính phủ và thành phố Hà Nội để khôi phục sản xuất trên địa bàn...

“Ngoài chính sách chung của Chính phủ và thành phố Hà Nội, ngày 24-9 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức quyết định bố trí nguồn lực hỗ trợ nông dân 100% kinh phí mua giống đậu tương, ngô, khoai lang; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống khoai tây. Đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện trồng cây vụ đông có nhu cầu được hỗ trợ”, ông Trần Minh Cường thông tin thêm./.

TA (Theo Báo HNM)