Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội lĩnh vực chăn nuôi – thú y

Nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa vùng nông thôn, tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 08/2023-HĐND, ngày 04/7/2023, quy định về “Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội”.



Để chính sách đi vào thực tiễn, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trung tâm dịch vụ (gọi chung là tổ chức); hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là cá nhân) trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận được chính sách. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường. Xin giới thiệu một số chính sách hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi, thú y, cụ thể như sau:

  1. Chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Đối tượng, điều kiện áp dụng:

  1. a) Đối với hỗ trợ lãi suất: Các tổ chức, cá nhân xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp.
  2. b) Đối với hỗ trợ chi phí giết mổ: Các tổ chức, cá nhân có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp trong “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội”, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Có sản lượng giết mổ thực tế đạt tối thiểu: 2.000 con lợn/tháng hoặc 10.000 con gia cầm/tháng hoặc 500 con trâu, bò/tháng.

Nội dung và mức hỗ trợ:

  1. a) Đối với hỗ trợ lãi suất: Được hỗ trợ 01 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 03 năm (36 tháng) theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, tiến độ hỗ trợ theo kỳ trả lãi của ngân hàng.
  2. b) Đối với hỗ trợ chi phí giết mổ: Các tổ chức, cá nhân có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp không được hỗ trợ lãi suất thì được hỗ trợ chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm trong thời hạn 3 năm (36 tháng): Mức hỗ trợ đối với giết mổ công nghiệp 25.000 đồng/con lợn, 80.000 đồng/con trâu, bò, 1.100 đồng/con gia cầm; đối với giết mổ bán công nghiệp 20.000 đồng/con lợn, 75.000 đồng/con trâu, bò, 1.000 đồng/con gia cầm.

Nguồn kinh phí hỗ trợ: Ngân sách cấp Thành phố.

  1. Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi

  1. a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các tổ chức, cá nhân sử dụng các giống vật nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để thay thế các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng thấp hoặc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nằm trong chương trình, đề án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán thực hiện hàng năm.
  2. b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% các chi phí thụ tinh nhân tạo (gồm: Liều tinh, Nitơ, dụng cụ phối giống, công phối giống) trên địa bàn Thành phố khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản.
  3. c) Nguồn kinh phí hỗ trợ: Ngân sách cấp Thành phố.
  4. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đối tượng và điều kiện áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân có dự án hoặc phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Các công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thuộc Danh mục công nghệ cao theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển hoặc văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ.

Nội dung, mức hỗ trợ:

Được hỗ trợ 01 lần 100% lãi suất vay trong thời hạn 03 năm (36 tháng) theo hợp đồng vay vốn nhưng không vượt quá lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn, tiến độ hỗ trợ theo kỳ trả lãi của ngân hàng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ:

Ngân sách cấp huyện (Ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện trong thời kỳ ổn định ngân sách).

  1. Chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp

Đối tượng, điều kiện áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động; thiết bị cảm biến; thiết bị quan trắc môi trường; mua camera, đường truyền, phần mềm để sản xuất nông nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân phải cam kết sử dụng máy móc, thiết bị trong thời gian 5 năm, nếu bán phải hoàn lại phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

Nội dung và mức hỗ trợ:

Hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát và điều khiển dinh dưỡng tự động; thiết bị cảm biến; thiết bị quan trắc môi trường; mua camera, đường truyền, phần mềm để vận hành hệ thống. Mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/cơ sở. Mỗi đối tượng được hỗ trợ 01 lần.

Nguồn kinh phí hỗ trợ:

Ngân sách cấp huyện (Ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện trong thời kỳ ổn định ngân sách).

  1. Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đối với chăn nuôi

Đối tượng và điều kiện áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo quy hoạch tại địa điểm được phép chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và quy định của Thành phố.

Đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vừa và nhỏ theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Nội dung và mức hỗ trợ:

Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ 50% kinh phí mua chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi tối đa không quá 300 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Hỗ trợ tối đa 02 chu kỳ nuôi đối với lợn, gia cầm; 01 chu kỳ nuôi đối với trâu, bò.

Nguồn kinh phí hỗ trợ:

Ngân sách cấp huyện (Ngân sách Thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện trong thời kỳ ổn định ngân sách)./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục CN, TS và Thú y