Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số biện pháp kỹ thuật ngâm ủ và chăm sóc mạ xuân 2021

Vụ Xuân thường có rét đậm, rét hại gây khó khăn cho việc gieo trồng, đặc biệt là gieo mạ cấy lúa xuân. Để sản xuất an toàn, hiệu quả, đảm bảo có mạ khỏe, cây mạ đanh rảnh cấy đủ diện tích lúa vụ xuân khâu làm mạ rất quan trọng, bà con cần lưu ý đến các biện pháp kỹ thuật sau:



  1. GIỐNG
  2. Chuẩn bị giống:

Chọn mua giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng được cung ứng từ các cơ sở uy tín như lúa: Thiên ưu 8, VNR20,  BT7, Dự Hương 8, TBR225, nếp 87, nếp 97, TH3-4, GS9, Nhị ưu 838, J02, ĐS1…nên chọn những giống có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh tốt, chất lượng gạo ngon, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khả năng đầu tư.

  1. Xử lý hạt giống:

- Trong điều kiện cho phép trước khi ngâm nên phơi lại lúa giống 2 - 3 giờ dưới nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng) để tăng khả năng hút nước của hạt lúa tạo điều kiện cho hạt giống nảy mầm nhanh và đều hơn.

- Để diệt trừ một số nấm bệnh, tuyến trùng trên hạt lúa giống và kích thích nảy mầm cần xử lý hạt giống bằng cách ngâm lúa giống vào nước ấm 540C (ba sôi hai lạnh), khi ngâm sau khoảng 3 - 5 giờ vớt hết những hạt lép lửng (đối với lúa thuần), sau đó tiếp tục ngâm bình thường.

  1. Ngâm giống:

- Thời gian ngâm nước tùy thuộc vào đặc điểm từng giống lúa, nhiệt độ nước và nhiệt độ không khí.

- Nước dùng để ngâm lúa phải là nước sạch và gấp 3 - 5 lần lượng lúa giống. Tuyệt đối không ngâm lúa giống bằng nước giếng khoan chưa qua bể lọc, nước nhiễm khuẩn….Khi ngâm để vào nơi thoáng và kín gió.

- Thời gian ngâm đối với các giống lúa như sau:

+ Đối với lúa lai thời gian ngâm 16 - 20 giờ, cứ 6 - 8 giờ thay nước rửa chua một lần.

+ Đối với lúa thuần thời gian ngâm 24 - 36 giờ; Lúa nếp các loại thời gian ngâm 48 - 60 giờ; Lúa thuần chất lượng cao Japonica J02, ĐS1 thời gian ngâm 40 - 48 giờ, cứ 8 - 10 giờ thay nước rửa chua một lần.

- Hạt giống đủ tiêu chuẩn đem ủ là hạt phải no nước, mép hạt hơi sưng, vỏ trấu trong suốt và nhìn thấy rõ phôi hạt bên trong qua vỏ trấu.

  1. Kỹ thuật ủ:

- Khi thấy hạt lúa no nước vỏ hạt trong nhìn rõ phôi hạt phình lên thì vớt ra đãi sạch nước chua để ráo nước cho vào thúng, bao tải đay, túi vải...ủ ấm để vào nơi kín gió, đảm bảo nhiệt độ 30 - 320C ngay ngày đầu tiên.

- Trong quá trình ủ cần thường xuyên kiểm tra không để đống ủ nóng hay lạnh quá bằng cách:

            + Đưa tay vào giữa đống ủ thấy tay ướt, nhớt, có mùi chua khẩn trương tãi đống ủ để giảm nhiệt độ, sau đó đưa đống ủ ra đãi sạch nhớt, mùi chua bám vào hạt giống để ráo nước sau đó tiếp tục ủ lại hạt giống.

+ Đưa tay vào giữa đống ủ thấy tay lạnh - khô thì bổ xung thêm vật liệu (rơm rạ, bao tải, vải,. ..) che đậy kín, phun nước ấm vào hạt giống và đảo trộn đều để hạt giống có điều kiện nảy mầm.

- Khi hạt lúa nứt nanh nảy mầm phải giảm nhiệt độ trong đống ủ vì lúc này hạt lúa sinh nhiệt nhiều sẽ gây nóng thui mầm hoặc sức sống của hạt giống bị giảm.

            - Tiêu chuẩn mống tốt là vừa có mầm vừa có rễ, rễ dài bằng 1/3 - 1/2 chiều dài hạt thóc, mầm mới nhú thì đem gieo.

Chú ý:

- Tuyệt đối không cho lúa giống vào túi nilon hoặc bao tải dứa tráng nilon để ủ.

- Không nên để đống ủ tiếp xúc trực tiếp trên nền xi măng hoặc nền gạch.                                       

  1. LÀM ĐẤT
  2. Làm đất gieo mạ:

Đất mạ phải được cày bừa nhừ nhuyễn, nhặt sạch cỏ dại, lên luống rộng bằng 2/3 khổ nilon, cao 10 - 15 cm, gạt phẳng, rãnh rộng 25 - 30 cm để tiện cho việc chăm sóc và điều tiết nước.

  1. Lượng phân bón cho 1 m2 mạ:

Phân hữu cơ hoai mục: 1 kg

Super Lân:                    50 g

Đạm ure:                       10 g

Kaly:                                5g 

          Tro bếp hoai mục:          50 g (nếu có).

Hoặc NPK loại chuyên bón lót: 100 g. Sau đó cào đều phân với bùn, gạt phẳng mặt luống, gieo chìm mắt cua, sau gieo phủ tro bếp hoai mục (nếu có).

  1. Mật độ:

- Gieo: 100 - 150 g/m2 (lúa giống).

- Sau gieo che phủ nilon trắng cho 100% diện tích mạ đã gieo để chống rét, giữ ấm, ẩm và chống chim chuột phá hại mạ.

III. CHĂM SÓC MẠ

- Sau gieo 6 - 8 ngày nếu thấy nhiệt độ ngoài trời từ 15 - 20o C trở lên phải mở hai đầu nilon và đến chiều tối che lại, trước khi cấy 3 - 5 ngày cần mở dần nilon cho mạ quen với điều kiện ngoại cảnh, đồng thời kiểm tra nếu có sâu bệnh tiến hành phun thuốc BVTV.

- Không bón thúc (tiễn chân) phân đạm cho mạ trước khi cấy 3 - 5 ngày, đề phòng gặp ấm mạ nhanh già hoặc cấy xong gặp rét dễ bị chết lúa.

- Thường xuyên giữ nước đủ ẩm cho luống mạ.

  Thanh Hiếu