Để lúa mùa đạt năng suất cao mang lại hiệu quả kinh tế bà con nông dân cần chú ý một số vấn đề sau:
- Khử độc đất để hạn chế bệnh ngộ độc hữu cơ
Thời tiết đầu năm 2022 rét đậm rét hại kéo dài làm cho lúa xuân sinh trưởng phát triển chậm dẫn tới thời vụ thu hoạch lúa xuân bị chậm lại so với hằng năm. Do vậy, công tác làm đất để gieo cấy lúa mùa phải tiến hành gấp rút cho kịp thời vụ, do vậy rơm rạ chưa kịp phân hủy nên lúa mùa năm nay dễ bị ngộ độc hữu cơ.
* Triệu chứng: Lúa bị bệnh ngộ độc hữu cơ có triệu chứng lúa chậm lên còi cọc, lá nhỏ, cây không đều. Rễ trắng ra ít, cây lúa vàng đỏ, rễ thâm đen, có mùi thối và tanh. Lúa bị nặng có khóm còn bị lụi tàn dần.
* Biện pháp hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ:
- Mỗi sào cần bón 15 - 20 kg vôi bột hoặc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, các chế phẩm vi sinh phân hủy chất hữu cơ... liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì. Cấy nông tay, cấy sau khi bừa ngả ruộng tối thiểu 7 ngày.
- Bón lót đầy đủ phân hữu cơ vi sinh, bón cân đối đạm, lân, kali giúp cho cây lúa phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu. Bón thúc sớm để cây lúa hấp Bón dinh dưỡng tốt, sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhánh sớm, tập trung.
- Điều tiết nước: Sau cấy giữ mực nước nông để cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh và giúp cho khí độc trong đất thoát ra ngoài tốt.
* Biện pháp khắc phục lúa bị ngộ độc rơm rạ: Cần đưa nước vào ruộng rồi bón vôi bột với lượng 20 - 30kg/ sào hoặc bón thêm lân supe Lâm Thao với lượng 10 - 15 kg/sào, kết hợp với chế phẩm kích thích ra rễ. Kiểm tra khi lúa ra rễ trắng và lá mới thì mới bón đạm cho lúa.
- Bón phân cho lúa mùa
Lúa mùa thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi cấy đến khi lúa đứng cái khoảng 35 - 40 ngày. Vì vậy cần bón phân lót cho lúa đầy đủ, bón thúc sớm để lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm, tăng số dảnh hữu hiệu, bông to.
Lượng phân bón trung bình cho 1 sào: Phân chuồng 200 - 300kg hoặc 60 - 70kg phân hữu cơ vi sinh, 15 kg lân supe, 3 - 5 kg đạm, 4 - 5kg kali.
Bón lót: 100% phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, lân, 40% đạm. Bón lót giúp phân vùi sâu trong đất, hạn chế phân bón bay hơi và bị rửa trôi.
Bón thúc đẻ nhánh: Sau cấy 5 - 7 ngày, để lúa đẻ nhánh sớm và đẻ tập trung. Lượng bón 50% đạm, 50% kali.
Bón đón đòng: Bón 50% kali. Căn cứ vào tình sinh trưởng phát triển của ruộng lúa nếu cây lúa thiếu đạm lá nhỏ, vàng thì bón bổ sung 10% lượng đạm còn lại, nếu lúa sinh trưởng phát triển tốt thì không cần bổ sung đạm.
Nên sử dụng các loại phân bón tổng hợp chuyên dùng cho lúa, bổ sung phân bón có chứa Silic để giúp lúa cứng cây, chống đổ tốt.
- Phòng trừ sâu bệnh
Vụ mùa cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm hai chấm, rầy nâu, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, chuột hại...
Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của khuyến nông viên cơ sở, nhân viên kỹ thuật trồng trọt - BVTV, đảm bảo phun đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng cách và đúng liều lượng nhằm đem lại hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh cao nhất./.
Lê Thị Xới - Trạm Khuyến nông Ứng Hòa