Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số biện pháp chăm sóc và phục hồi lúa sau cấy gặp rét đậm, rét hại

Trong tháng 02/2022 là thời điểm chuyển giao từ mùa đông sang mùa xuân, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Để giúp cây lúa phục hồi và phát triển thuận lợi sau đợt rét đậm, bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau.



Đối với lúa cấy trước hoặc trong đợt rét nhưng đã vượt qua được và vẫn sinh trưởng, nhưng phát triển chậm, chưa đẻ nhánh thì không được để cho ruộng cấy khô hạn.

- Nhiệt độ thời gian này đang ấm dần lên cần đưa nước và điều tiết hợp lý khắp mặt ruộng ở mực nông 2 - 3cm, không để cây lúa bị ngập nõn và bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục (nếu có), tăng cường bón tro bếp + 5kg super lân/sào để giúp bộ rễ lúa sinh trưởng và phát triển tốt hoặc dùng các chế phẩm dinh dưỡng qua lá như KH2, ET… để phun qua lá giúp cây lúa phục hồi nhanh và ra lá, ra rễ mới.

- Khi nhiệt độ trung bình ngày trên 150C, lúa ra lá mới, xuất hiện rễ trắng mới tiếp tục tiến hành chăm sóc bón phân tổng hợp NPK chuyên thúc cho lúa để cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung. Trên những chân ruộng đã có hiện tượng chết từng dảnh, từng đám hoặc bị ốc gây hại, bà con cần dặm lại những chỗ mất khoảng và tích cực chăm sóc để ruộng lúa nhanh phục hồi.

- Trường hợp rễ lúa đã thối đen, cây héo chết cần bừa đi cấy lại bằng mạ trà xuân muộn hoặc gieo thẳng bằng các giống ngắn ngày như P6ĐB, CN2, MĐ1...

-  Khuyến cáo bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại, áp dụng các biện pháp phòng trử tổng hợp được cán bộ khuyến nông và cán bộ BVTV hướng dẫn ngay từ đầu vụ nhằm tạo cây lúa khỏe, ruộng lúa khỏe, từ đó đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây lúa, và khi sâu, bệnh xuất hiện không thể tránh cần áp dụng triệt để kỹ thuật phun thuốc “4 đúng”./.

Nguyễn Thị Thu Hương - Trạm KN Thường Tín (TH)