Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mở rộng kênh tiêu thụ rau an toàn

Thời gian qua, cùng với quản lý sản xuất rau an toàn (RAT) hiệu quả, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang nỗ lực mở rộng kênh tiêu thụ RAT trên địa bàn.



Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.000ha RAT được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm héc ta trồng rau hữu cơ. Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân Thủ đô, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng này, một số doanh nghiệp (DN) mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch tới tận khu dân cư. Điển hình như: Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam, chuỗi cửa hàng Bác Tôm… với lượng hàng dồi dào, nhiều chủng loại, sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói, dán tem mác, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nhờ đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất – tiêu thụ RAT, đến nay trên địa bàn thành phố có 35 chuỗi RAT với 208 DN bao tiêu sản phẩm cho nông dân, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng trung bình 42 tấn/ngày, tăng mạnh so với các năm trước. Đơn cử như huyện Thanh Trì, nhằm thúc đẩy, hỗ trợ việc tiêu thụ RAT, huyện đã chủ động liên hệ, hướng dẫn các hợp tác xã và hộ sản xuất ký kết hợp đồng liên kết với các tập đoàn, DN. Các sản phẩm được bao tiêu theo chuỗi cho giá trị cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Ngoài ra, huyện chỉ đạo mỗi xã khảo sát, lựa chọn 1 - 2 vị trí quy hoạch làm điểm trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn, vừa phục vụ tiêu dùng tại chỗ, vừa cung ứng cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn. Hiện, 40% tổng sản lượng RAT của huyện được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng, tăng 10% so với năm 2018.

Tương tự, tại huyện Gia Lâm, số DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm RAT đã tăng từ 7 DN (năm 2016) lên 16 DN (năm 2019); lượng RAT tiêu thụ qua hợp đồng cũng tăng tương ứng từ 3 tấn/ngày lên 16 tấn/ngày. Tại các huyện như: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Hoài Đức khâu tiêu thụ RAT cũng đang có tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, so với nguồn cung, việc tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, phần lớn RAT được phân phối qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Trong khi đó, việc thiếu các điểm bán sản phẩm RAT, chưa quảng bá giới thiệu sản phẩm khiến người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất chưa gặp được nhau. Vì vậy, thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục tham mưu thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ RAT theo hướng hỗ trợ trực tiếp DN phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT. Cùng với đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng./.

NT (Theo KTĐT)