Trước khi bén duyên với cây ăn quả, vợ chồng anh Nguyễn Đức Điệp từng làm trang trại chăn nuôi và ao cá với hơn 10 năm. Nhưng nhiều năm do giá cả, dịch bệnh bấp bênh nên trang trại nhà anh gặp rất nhiều khó khăn và hiệu quả kinh tế không cao. Thế rồi như một cuộc cách mạng, đầu năm 2017 anh quyết định thuê 2,2ha khu đất trũng của xã để trồng cây ăn quả. Ban đầu, vợ chồng anh chia khu, đắp bờ chắn nước, cải tạo lại để phục vụ công tác tưới tiêu cho mô hình. Đến tháng 10 năm 2017, anh trồng 800 cây ổi ( giống ổi Đài Loan), 400 cây mít Thái siêu sớm. Hơn một năm sau anh tiếp tục thuê thêm 3ha đất ruộng (đất 5%) cấy lúa không hiệu quả của dân để mở rộng diện tích và trồng thêm 600 cây mít, 700 cây ổi và 600 cây bơ với quyết tâm bứt phá lên từ mô hình này. Ban đầu mô hình anh gặp phải không ít khó khăn do nguồn vốn ít, kinh nghiệm làm cây ăn quả chưa có, nguồn thu lại không có ngay nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng từng ngày chăm sóc, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăm sóc qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các mô hình khác trong và ngoài tỉnh.
Sau hơn 8 tháng trải qua bao khó khăn, vất vả vun tưới từng gốc cây, 800 gốc ổi của anh bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2019, anh thu được hơn 30 tấn ổi với giá bán trung bình từ 13.000-14.000đồng/kg, gia đình anh thu được được gần 400 triệu đồng. Anh Điệp cho biết, cây ổi cũng kén người trồng. Muốn có quả đẹp, chất lượng phải tìm tòi học hỏi để làm chủ khoa học - kỹ thuật, từ cắt tỉa cành đến chăm sóc, phòng bệnh cho cây. Cây ổi khi nhiều cành sẽ không tập trung dinh dưỡng để nuôi quả; cây ra quả muộn, xấu dẫn đến chất lượng không cao. Khi cây phát triển khoảng 1m phải bấm ngọn, tỉa cành. Để quả đạt chất lượng cao nhất cần chú ý đến thời điểm bón lót, bón thúc. Từ tháng 4 đến tháng 6 quả hay bị táp do gió nên thời điểm này can thiệp kỹ thuật để cây nghỉ ra quả, chuẩn bị cho vụ mới quả sẽ nhiều và ngọt hơn. Thời kỳ cây ra quả được 15-20 ngày thì anh Điệp tiến hành bao quả bằng loại túi xốp chuyên dụng để hạn chế tối đa côn trùng gây hại, quả không bị bám bụi bẩn nên vệ sinh an toàn thực phẩm, không làm cho vỏ bị trầy xước khi thu hoạch, tạo mẫu mã quả sáng bóng, mượt mà và lớn nhanh, tăng năng suất. Đặc biệt đến tháng 11/2019, diện tích trồng Ổi lê Đài Loan của gia đình cũng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, qua đó mở rộng được thị trường tiêu thụ và giá bán ổn định hơn.
Vừa qua, mít Thái siêu sớm tại vườn nhà anh cũng đã bắt đầu thu hoạch với sản lượng khoảng 4 tấn bán ra thị trường với giá 25.000 đồng, mang lại cho gia đình nhà anh gần 100 triệu đồng. Hiện tại anh cũng đang xây dựng quy trình sản xuất và hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để mít nhà anh đủ tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong thời gian tới nếu có thể tích tụ được ruộng đất anh sẽ mở rộng diện tích sản xuất và xây dựng thành vùng sản xuất cây ăn quả VietGAP tập trung.
Việc xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP của gia đình nhà anh Điệp sẽ giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo được thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, anh đang xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mô hình của gia đình anh Điệp là một mô hình điển hình để các thanh niên có khát vọng lập nghiệp đến tham quan và học hỏi./.
Nguyễn Công Cường - Trung tâm Khuyến nông và PTNN Công nghệ cao